Thứ 6, 10/01/2025, 18:38[GMT+7]

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV: Thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Thứ 5, 22/07/2021 | 21:06:37
4,121 lượt xem

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận tổ.

Audio: 2607_QH_ngay_23_mixdown.mp3

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, sáng ngày 22/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe các báo cáo đánh giá, thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV; tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Tham gia thảo luận tại tổ đại biểu số 8 có Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên, Kon Tum. Đánh giá về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, trong giai đoạn 2015 - 2020 nước ta đã đạt nhiều thành tựu, về cơ bản đạt tăng trưởng khá và ổn định; công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng là điểm sáng trong thời gian qua. Bức tranh kinh tế năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy chúng ta đã được thừa hưởng từ những thành tựu đó: Kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì cơ bản được các nguồn thu, tích lũy của nền kinh tế tương đối tốt, giúp chúng ta có điều kiện thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thực hiện và hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch... Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận một số vướng mắc, thách thức tiếp tục phải đối mặt, đó là: Các tác động của dịch bệnh đối với kinh tế - xã hội của nước ta và khả năng đối phó với dịch bệnh; những căng thẳng từ cạnh tranh thương mại, sự đứt gãy của nền kinh tế thế giới, mặc dù nước ta có tăng trưởng tốt, đặc biệt là xuất khẩu và thu ngân sách. Tuy nhiên, xuất khẩu chủ yếu vẫn là FDI, dẫn đến sự không ổn định, bấp bênh do đại dịch. Từ các yếu tố này đặt ra yêu cầu xem xét duy trì hay không duy trì sản xuất tại các doanh nghiệp trong vùng có dịch và yếu tố pháp lý đặt ra ở đây là cần phải có sự chuẩn bị, có kế hoạch ứng phó trong thời gian tới. Đại biểu cũng nêu lên một số vấn đề cần hết sức quan tâm, đó là: Phát triển kinh tế của đất nước phải luôn bám sát, đặt chung trong các vấn đề của thế giới; thực hiện các mục tiêu kép là phù hợp, tuy nhiên trong lâu dài cần phải có chiến lược phục hồi nền kinh tế trong tình hình mới, có kế hoạch giữ vững tăng trưởng đồng thời bảo đảm sự an toàn, ổn định của nền kinh tế; giải quyết hiệu quả, tháo gỡ các điểm nghẽn như phân cấp, phân quyền, trách nhiệm, phương pháp giải quyết của các địa phương, đơn vị và người đứng đầu, điều phối, điều hòa các nguồn lực, tập trung đúng các điểm nghẽn, đúng địa chỉ, đúng thời điểm; đồng thời, phải tạo ra được các động lực mới, các xung lực mạnh mẽ để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh)