Thứ 5, 26/12/2024, 08:45[GMT+7]

Phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Chủ nhật, 12/09/2021 | 22:48:47
4,072 lượt xem
Tối ngày 12/9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ phát động trực tuyến toàn quốc chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì lễ phát động. Cùng dự có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Video: 130921-PHAT_DONGMAY_TINH_CHO_EM_-_Tuan_Nguyen_cuong.mp4

Tại điểm cầu Thái Bình dự lễ phát động có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Năm học 2021-2022 bắt đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên trên cả nước đang hết sức cố gắng để tiến hành công tác giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập do gia đình gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện (nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Chương trình sẽ được thực hiện ở các ngành, các cấp trên cả nước. Trước mắt, việc vận động máy tính cho học sinh sẽ ưu tiên thực hiện tại các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Tại lễ phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua dự thảo kế hoạch triển khai chương trình, trong đó tập trung vào 3 nội dung gồm: bảo đảm việc phủ sóng di động, hướng tới phủ sóng 100% toàn bộ các điểm chưa có kết nối internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện học trực tuyến; hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến; hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và tổ chức dạy, học trực tuyến.

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội. Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp cùng nhân dân luôn quyết tâm, đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch với mong muốn đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, hiện nay việc học tập của học sinh, nhất là các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa việc tiếp cận học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn do không có máy tính và sóng di động để phục vụ học trực tuyến. Triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” mặc dù đây chỉ là giải pháp tình thế nhưng phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành cần nhanh chóng vào cuộc; các cơ sở giáo dục, chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo phải điều chỉnh nội dung để triển khai giảng dạy một cách tốt nhất, nhất là giảng dạy cho học sinh lớp 1 và học sinh cuối cấp. Bên cạnh mặt tích cực, việc sử dụng internet luôn tiềm ẩn những nguy hiểm, vì vậy nhà trường, giáo viên, phụ huynh cần có giải pháp phù hợp để ngăn chặn thông tin xấu độc, làm ảnh hưởng đến học tập của học sinh.

Thủ tướng mong muốn, thông qua chương trình sẽ phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” và đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục lan tỏa tinh thần nhân ái, truyền đi năng lượng tích cực, góp phần xây dựng xã hội tốt hơn trong kỷ nguyên số, để học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được tiếp cận giáo dục bình đẳng. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành chủ động xây dựng kịch bản đưa học sinh trở lại trường học; sớm tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ em nhất là trẻ em 12 tuổi trở lên. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông để bảo đảm sóng ổn định, hỗ trợ việc mua máy tính phục vụ cho việc dạy và học cho giáo viên, học sinh. Các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương, các doanh nghiệp với tinh thần “tương thân, tương ái” cùng vào cuộc để chương trình được triển khai hiệu quả và ý nghĩa.

Tại lễ phát động, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, các tổ chức chính trị xã hội đã trao hàng trăm nghìn bộ máy tính cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuyển tới các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Nguyễn Cường - Trần Tuấn

Ảnh: Thành Tâm