Thứ 2, 25/11/2024, 05:51[GMT+7]

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và 2 dự án luật

Thứ 5, 21/10/2021 | 15:54:40
4,059 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; nghe và thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự thảo luận tại tổ.

Trong phiên họp buổi sáng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành phiên thảo luận tổ. Cùng dự có các đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV, lãnh đạo một số sở, ngành.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu góp ý về 2 dự án luật.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch, tài chính - ngân sách; đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp linh hoạt mà Chính phủ thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19. Các đại biểu tập trung phân tích một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm 2021, trong đó một số chỉ tiêu Thái Bình đã hoàn thành tốt so với chỉ tiêu của cả nước như: 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, là một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước... Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn nỗ lực sản xuất, kinh doanh ổn định. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh được thực hiện tốt. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng thời gian tới nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh vẫn lớn, đề nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh kịch bản ứng phó với dịch sát tình hình thực tế, tiếp tục hỗ trợ kinh phí nâng cao năng lực xét nghiệm, cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm trên diện rộng, bảo đảm nguồn cung ứng thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19...

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước, của tỉnh đã cơ bản thành công, dịch cơ bản được khống chế; tuy nhiên, khi thực hiện điều chỉnh sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch thì nguy cơ dịch xâm nhập, bùng phát vẫn có, do vậy tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; Quốc hội, Chính phủ phải có lộ trình từng bước đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, trong đó phải đẩy mạnh tiêm vắc-xin, xét nghiệm nhanh, tuân thủ “5K”. Đồng chí cho rằng, 9 tháng đầu năm 2021 kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, nghiên cứu, đề ra các giải pháp xác thực để khôi phục, lấy lại đà tăng trưởng, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, tháo gỡ các nút thắt để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đồng chí tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, giao Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo Tổng thư ký Quốc hội trình kỳ họp.

Đại biểu các sở, ngành tham dự phiên thảo luận tổ.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội họp trực tuyến, nghe lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, các ủy ban của Quốc hội trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Sau đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về 2 dự án luật này. Các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung 2 dự án luật, đồng thời đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung một số từ ngữ cho phù hợp, chuẩn xác; rà soát, đối chiếu một số quy định với các luật khác liên quan để tránh chồng chéo. Các đại biểu cũng góp ý về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, về giám sát hoạt động của cảnh sát cơ động. Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu góp ý về các nhóm vấn đề liên quan đến sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan, về tăng cường cải cách hành chính, cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo Tổng thư ký Quốc hội trình kỳ họp.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát ở Việt Nam đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân song ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tại Thái Bình, 9 tháng năm 2021, chăn nuôi dù phải đối mặt với giá thức ăn tăng, nuôi trồng thủy sản khó tiêu thụ vì bị đứt chuỗi cung ứng nhưng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh vẫn tăng 2,4% so với năm 2020. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; để phục hồi nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu kỹ nhân tố tác động đến nền kinh tế, đề ra chỉ tiêu cụ thể, sát thực của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tôi nhất trí cao với nhiệm vụ Chính phủ đề ra là thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế số, xã hội số song cần có giải pháp giải quyết việc làm cho lao động dư thừa khi các doanh nghiệp thực hiện công nghệ số hóa trong sản xuất, nhất là doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.


Đồng chí Trần Ngọc Phúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương

Tôi cơ bản nhất trí với đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; các số liệu đưa ra đã phản ánh đúng tình hình thực tế cả nước. Đặc biệt, quý III/2021, tổng sản phẩm trong nước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, làm giảm mức tăng chung của toàn bộ nền kinh tế. Đã xảy ra nghịch lý, năm 2020 các doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định nhưng hàng hóa không xuất khẩu được, năm 2021 hàng hóa được thông thương với thế giới thì hoạt động sản xuất trong nước lại bị ngừng trệ vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tôi rất mừng là tại Thái Bình, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn cơ bản ổn định. Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ từng bước được phục hồi, tăng trưởng khá. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi cả nước, từng bước đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới để tập trung khắc phục hậu quả của dịch, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu, ưu tiên cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt.  


Đồng chí Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 là cuộc chiến chưa có tiền lệ. Đợt dịch thứ tư lây lan nhanh, mạnh, diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là của cấp ủy, chính quyền các địa phương, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong chuyển hướng kịp thời sang thích ứng an toàn, linh hoạt, nỗ lực đạt 2 mục tiêu: kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Song việc thực hiện phải theo lộ trình, chặt chẽ, phù hợp, khả thi, trong đó tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết; phòng dịch là chiến lược thường xuyên, lâu dài, tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là điều kiện tiên quyết, tiếp tục thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, đề cao ý thức người dân. Phấn đấu tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ em nhanh nhất, sớm nhất có thể.


Thu Hiền