Thứ 7, 04/01/2025, 16:34[GMT+7]

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ 4, 10/11/2021 | 18:52:19
2,137 lượt xem
Sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, theo chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc để thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung tham gia chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hoạt động chất vấn trong suốt các nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi chung của việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp. Hoạt động chất vấn không chỉ đơn thuần là một hình thức giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình nhất là của người đứng đầu, mà còn là dịp để tương tác, bổ trợ cho các hoạt động giám sát khác cũng như thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết và lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề để chất vấn và trả lời chất vấn, đó là: Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế; nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; nhóm vấn đề về kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu đại dịch và nhóm vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo. Cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ báo cáo thêm một số vấn đề thuộc lĩnh vực trên và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Về cách thức chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị mỗi đại biểu lựa chọn vấn đề tâm đắc nhất, trọng tâm, đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng trong vòng 1 phút, Bộ trưởng trả lời trong phạm vi 3 phút theo tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”. Trong quá trình trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ tham gia trả lời chất vấn những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm. Các đại biểu có quyền tranh luận lại với phần trả lời của các Bộ trưởng, không dùng quyền tranh luận để đặt thêm câu hỏi chất vấn và tránh để phiên chất vấn thành phiên thảo luận. Phiên chất vấn lần này có phạm vi rộng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, chiến lược trong thời gian tới, tác động đến kinh tế - xã hội, kế sách, chiến lược, chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh đây là những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công thêm những thành viên khác khác của Chính phủ tham dự đầy đủ phiên chất vấn để nắm thêm vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm qua phản ánh của đại biểu Quốc hội. Sau phiên họp, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết chung về phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Sau phát biểu mở đầu, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế gồm: Công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vắc-xin trong thời gian tới. Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm. Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề này. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Buổi chiều, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: Việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt. Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề này; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Tham gia chất vấn đối với nhóm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Bộ trưởng một số nội dung như: Giải pháp của Bộ để giải quyết nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề của các ngành kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch; kết quả triển khai việc hỗ trợ lao động tự do từ các chính sách theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 116; ý kiến của Bộ trưởng về việc hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh cho một số đối tượng có thu nhập cao,…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)