Thứ 2, 25/11/2024, 03:59[GMT+7]

Thảo luận tổ trước phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII

Thứ 4, 08/12/2021 | 17:23:43
4,256 lượt xem
Chiều ngày 8/12, HĐND tỉnh chia tổ thảo luận về nội dung các báo cáo, tờ trình trình kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII. Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ thành phố thảo luận tại tổ.

Audio: Audio_tin_Thao_luan_to.mp3

 Tại 8 tổ, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sát thực tế, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; đồng thời cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022. Các đại biểu ghi nhận, đánh giá trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Thái Bình đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bảo đảm an toàn, đúng luật.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Vũ Thư thảo luận tại tổ. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đánh giá, phân tích nhấn mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, một số nhiệm vụ không bảo đảm tiến độ đã đề ra, một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở có nơi, có thời điểm còn biểu hiện lơ là, chủ quan; việc kiểm soát người đến từ vùng dịch có lúc, có địa phương chưa thực hiện chặt chẽ. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường tại cơ sở còn bộc lộ hạn chế… Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 là 9,0% trở lên, các đại biểu đề nghị tỉnh cần có các giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, cùng với thành phố trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về các nội dung: Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh; chú trọng thực hiện tốt chương trình phát triển nhà ở, phát triển đô thị; huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao chất lượng hệ thống y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tăng cường công tác quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ…

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Tiền Hải thảo luận tại tổ. 

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Thái Thụy thảo luận tại tổ.

Các đại biểu đều cho rằng, các tờ trình trình tại kỳ họp lần này là những nội dung quan trọng, vấn đề cấp thiết có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung được trình tại kỳ họp và mong sau khi ban hành, các nghị quyết của HĐND tỉnh sớm được triển khai thực hiện.

Các ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu HĐND tỉnh sẽ được Tổ thư ký kỳ họp tổng hợp báo cáo tại phiên họp HĐND tỉnh sáng ngày 10/12.

Đại biểu Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII, Ban Kinh tế - Ngân sách đã tổ chức giám sát, thẩm tra kỹ lưỡng các báo cáo, tờ trình thuộc lĩnh vực  phụ trách trình kỳ họp. Qua quá trình giám sát, tôi thấy  mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh đặt ra cho năm 2022 đạt 9,0% trở lên là phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Trước hết, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân trong phòng, chống dịch Covid-19. Các ngành, các địa phương cần đánh giá lại toàn bộ tiềm năng, dư địa, phát huy tiềm năng, lợi thế để đầu tư cho phát triển. Tập trung tháo gỡ thực chất khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri bày tỏ vui mừng với kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021, đồng thời đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tuy nhiên, cử tri cũng phản ánh mặc dù Thái Bình đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 song hiện nay tuyến y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, thiếu bác sĩ, thiếu trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch. Ngành Giáo dục đã thích ứng an toàn, linh hoạt trong dạy và học, tuy nhiên các hệ điều kiện phục vụ cho dạy học trực tuyến còn thiếu. Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội... Vì vậy, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ đó thống nhất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 bảo đảm khả thi, đạt hiệu quả cao.

Đại biểu Vũ Văn Định, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Qua nghiên cứu tôi thấy báo cáo trình kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh đã đánh giá đúng, đủ tình hình quốc phòng, an ninh của tỉnh năm 2021; ghi nhận vai trò của lực lượng quân sự trong thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch Covid-19. Hiện nay, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; quân nhân dự bị đi làm ăn xa, khả năng động viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, xử lý các tình huống tại địa phương đạt tỷ lệ không cao. Tôi mong HĐND tỉnh thảo luận các giải pháp kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc; thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, trong đó có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ quân sự.  

Đại biểu Nguyễn Quang Hòa, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh

Tôi cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch ở một số nơi chưa nghiêm; giai đoạn dịch bùng phát chính quyền và người dân chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch nhưng khi dịch ổn định, không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng thì một số người lại lơ là, chủ quan. Vì thế, tôi đề nghị các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện kịp thời, quyết liệt. Trong đó, chú trọng làm tốt việc khoanh vùng, cách ly, phong tỏa, xét nghiệm kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm đối với các trường hợp có nguy cơ cao, những khu vực có khả năng lây nhiễm cao để sớm bóc tách F0 ra khỏi động đồng; bên cạnh đó, có chế tài xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Đại biểu Lê Nguyên Hoài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận để ban hành một số cơ chế, chính sách quan trọng hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ đối với dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025... Nếu các đại biểu biểu quyết, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sẽ giúp các địa phương thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đạt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cơ giới hóa 80% diện tích cấy lúa, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị sản phẩm lúa gạo; đồng thời, giải quyết bài toán khó về rác thải sinh hoạt ở nông thôn. Ngoài cơ chế, chính sách của tỉnh đã và sắp ban hành, khi có các văn bản khung chỉ đạo của trung ương như ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kịp thời tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, bộ tiêu chí của tỉnh để các địa phương có đủ căn cứ để triển khai thực hiện.

Đại biểu Phan Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Thái Bình có nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị, tạo cho diện mạo thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình, dự án còn nhiều vướng mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra; có dự án kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư mặc dù tỉnh, thành phố quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo. Hiện nay Thái Bình đang lập quy hoạch tỉnh, thành phố Thái Bình đang hướng đến xây dựng đô thị loại I, nếu không gỡ nút thắt này sẽ là rào cản lớn cho sự phát triển. Tôi đề nghị tại kỳ họp này, HĐND tỉnh dành thời gian thảo luận, đánh giá những mặt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ đó thống nhất các biện pháp, cách làm, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Nguyễn Hình - Thu Hiền

Nguyễn Hình 

 Ảnh: Thành Tâm