Thứ 5, 26/12/2024, 08:58[GMT+7]

Các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn

Thứ 2, 04/07/2022 | 19:24:41
13,809 lượt xem
Ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022, triển khai các nghị quyết của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: baochinhphu.vn

6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế đã có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn so với dự kiến kịch bản và tương đương mức bình quân các năm trước dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,44%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 23/6, tăng trưởng tín dụng đạt 8,85% so với cuối năm 2021. Cân đối ngân sách nhà nước tích cực, 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 63,2% dự toán, tăng 15,8%. Cân đối thương mại tiếp tục đà tăng trưởng, kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đầu tư toàn xã hội tăng khá, ước thực hiện 6 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch. Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hầu hết đạt kết quả tốt, đạt trên 48.000 tỷ đồng, trong đó các chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đạt 8.888 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất 7.400 tỷ đồng; miễn giảm thuế VAT, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng khoảng 32.400 tỷ đồng; thực hiện cho vay tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP là 57.370 tỷ đồng. Đối với tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, ước giải ngân đến ngày 30/6/2022 đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm; 25 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, đặc biệt có 4 cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nghe lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về việc triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia, những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong duy trì và phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đồng thời thống nhất tinh thần chỉ đạo chung 6 tháng cuối năm 2022 đó là tuyệt đối không được chủ quan, luôn luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển bền vững; triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, trung ương, nghị quyết đại hội đảng các cấp; tập trung quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp đã được xác định tại Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh 15 nhóm nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022, đó là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu xây dựng đề án ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; tập trung thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên bảo đảm tiếp cận tín dụng thuận lợi; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý bảo đảm hiệu quả, Bộ Tài chính chủ động đề xuất cắt giảm cho phù hợp các loại thuế, phí, lệ phí đồng thời kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh các loại thuế, phí, lệ phí đối với xăng dầu; chú trọng rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong sử dụng vốn đầu tư công; quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường phòng, chống đầu cơ, buôn lậu; bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương án và kịch bản cho tình huống xấu nhất; tập trung rà soát hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính; triển khai quyết liệt và hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết về phát triển vùng và một số dự án giao thông trọng điểm; khẩn trương phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu, ban hành các quy định, cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp và các quy định có liên quan; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại cổ phần hóa, thoái vốn nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác xây dựng Đảng trong hệ thống hành chính nhà nước; tăng cường công tác thông tin truyền thông, tạo định hướng tốt trong nhân dân.

Minh Hương