Chủ nhật, 24/11/2024, 17:53[GMT+7]

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 3, 05/07/2022 | 15:24:52
10,701 lượt xem
Sáng ngày 5/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương. Dự họp có các đồng chí Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp. Ảnh: baonhandan

Video: 05722-Hop_truc_tuyen_PCD_covid_19.mp4?_t=1657023146

Dự họp tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; các đồng chí Phó Trưởng ban và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, địa phương, đơn vị.

Số ca mắc mới, tử vong giảm mạnh

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19 mới, trong đó hơn 8,3 triệu người đã khỏi bệnh, hơn 10.690 người tử vong. Cả nước còn khoảng hơn 6.600 bệnh nhân đang điều trị. Số ca mắc mới, tử vong giảm mạnh so với hơn 3 tháng trước. Riêng tháng 6/2022, mỗi ngày, cả nước ghi nhận khoảng 600 – 700 ca mắc. Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tính đến hết ngày 3/7/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 233 triệu liều, là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ tiêm vắc-xin chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, có tình trạng tồn đọng vắc-xin ở trung ương và các địa phương.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Dự báo các ca mắc biến BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng

Hiện nay, biến thể BA.5 của Omicron đã xuất hiện ở nhiều quốc gia và đã xuất hiện ở Việt Nam. Biến thể BA.5 có khả năng lây lan nhanh. Bộ Y tế dự báo thời gian tới, các ca mắc biến thể BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng. Do đó, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho nhóm nguy cơ mắc bệnh và truyền thông nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho người dân.

Đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Vắc-xin vẫn là vũ khí quyết định

Sau khi nghe đại biểu các bộ, ban, ngành, địa phương báo cáo tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, do đó tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác bởi không có người dân nào an toàn khi vẫn có người mắc Covid-19, không có tỉnh huyện, xã nào an toàn nếu các tỉnh, huyện, xã khác còn chống dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh, vắc-xin vẫn là vũ khí quyết định trong phòng, chống dịch, do đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tiêm vắc-xin là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi người dân. Mục tiêu thời gian tới là kiểm soát tốt dịch bệnh; đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; tiếp tục quán triệt phòng bệnh hơn chữa bệnh; phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Thủ tướng đề nghị vẫn giữ 3 trụ cột chính là: xét nghiệm, cách ly, điều trị. Thực hiện 2K+ vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế có hướng dẫn về 2K và tiêm vắc-xin sao cho an toàn, khoa học, hiệu quả. Các bộ, ngành liên quan quán triệt, đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin trong toàn ngành với tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người. Các cơ quan truyền thông vào cuộc tích cực hơn nữa, tổ chức tuyên truyền tốt hơn để nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế, các địa phương tăng cường giám sát, bám sát tình hình dịch trên thế giới, trong nước, chủ động có giải pháp ứng phó khi có tình huống phát sinh. Ngoài Covid-19 cần giám sát các dịch bệnh khác. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân; tập trung đầu tư cho y tế cơ sở. Bộ Y tế cần đánh giá miễn dịch cộng đồng đối với SARS-CoV-2 và các dịch bệnh khác để có giải pháp cho phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục triển khai tốt chính sách cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Hoàng Lanh