Thứ 3, 21/05/2024, 17:16[GMT+7]

Hội Cựu chiến binh tỉnh góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm

Thứ 4, 10/04/2013 | 09:46:45
1,000 lượt xem
Hội Cựu chiến binh tỉnh thực hiện việc triển khai, tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, hội viên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với ý thức trách nhiệm cao; là đoàn thể có nhiều cuộc họp lấy ý kiến nhất; tỷ lệ hội viên tham gia cao nhất; có nhiều ý kiến góp ý nhất...

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nguyễn Văn Hán trong buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh về triển khai lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn Kiểm tra công tác tổ chức, triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của HĐND tỉnh: Hội Cựu chiến binh tỉnh thực hiện việc triển khai, tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, hội viên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với ý thức trách nhiệm cao; là đoàn thể có nhiều cuộc họp lấy ý kiến nhất; tỷ lệ hội viên tham gia cao nhất; có nhiều ý kiến góp ý nhất; báo cáo tổng hợp ý kiến đợt 1 đúng tiến độ thời gian quy định và là một trong những đơn vị gửi về Uỷ ban MTTQ Việt Nam sớm nhất, đạt chất lượng cao nhất...

Tìm hiểu công tác tổ chức, triển khai lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ở các cấp hội cựu chiến binh (CCB), ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Ngay sau khi có kế hoạch, hướng dẫn của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực Hội CCB tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cán bộ, hội viên góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, khẩn trương triển khai xuống các cấp hội cơ sở. Trong xây dựng kế hoạch, chú trọng hướng dẫn chi tiết nội dung, hình thức và thời gian thực hiện.

Tuy việc triển khai kế hoạch lấy ý kiến cán bộ, hội viên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong thời gian ngắn, yêu cầu thực hiện khẩn trương, lại đúng dịp Tết Nguyên đán và thời điểm sản xuất vụ chiêm xuân, Hội CCB lại cùng lúc thực hiện nhiều nội dung công tác song phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, nhiệt tình, tính đến cuối tháng 3/2013, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã tổ chức được 3.055 cuộc họp lấy ý kiến với tổng số 81.455/93.076 hội viên tham dự thảo luận, đạt 87,5%, thu được hàng ngàn ý kiến đóng góp.

Để đạt được các kết quả trên, các cấp hội CCB trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hình thức như tổ chức hội nghị trực tiếp lấy ý kiến, qua các hội nghị mở rộng, lồng ghép với triển khai các nhiệm vụ công tác khác, qua các buổi sinh hoạt định kỳ của hội và Câu lạc bộ Cựu quân nhân. Đặc biệt, đầu năm 2013, Hội CCB tỉnh chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức các buổi sinh hoạt kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và 40 năm ký kết Hiệp định Pa-ri; tổ chức tôn vinh, chúc thọ các CCB, cựu quân nhân cao niên, chúc mừng hội viên được tặng huy hiệu 30, 40, 50 năm tuổi Đảng...  nên số hội nghị tăng cao, số hội viên tham gia đông.

Qua số liệu tổng hợp cho thấy, ngoài các ý kiến thống nhất chung như cần thiết sửa đổi Hiến pháp năm 1992; giữ nguyên Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Điều 70: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc và nhân dân”... những chương, điều có nhiều ý kiến góp ý đều được tổng hợp theo loại ý kiến và số lượng ý kiến, có thuyết minh lý do rõ ràng, cụ thể. Ví dụ góp ý Điều 4, có 11.223 ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” trước cụm từ “nhà nước”, viết hoàn chỉnh là: “Đảng Cộng sản Việt Namon> là lực lượng lãnh đạo duy nhất nhà nước và xã hội”. Có 12.040 ý kiến cho rằng, sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp (được sửa đổi năm 2013) nên xây dựng luật về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội. Điều 5: có 34.667 ý kiến góp ý vào mục 2, chuyển từ “đoàn kết” lên trước từ “bình đẳng”; mục 4, nên bỏ cụm từ “thiểu số” vì các CCB cho rằng, đất nước ta có 54 dân tộc anh em, Nhà nước phải có chính sách phát triển toàn diện, đương nhiên phải ưu tiên cho các dân tộc thiểu số nên không cần đưa vào Hiến pháp. Điều 8, mục 2, có 11.446 ý kiến đề nghị đưa cụm từ “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” lên trước cụm từ “chống tham nhũng, quan liêu” vì cho rằng trình tự này hợp với thực tiễn hơn. Mặt khác giáo dục công chức Nhà nước thay mặt nhân dân quản lý xã hội, trước hết phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong các nội dung góp ý, các CCB quan tâm nhiều nhất, có nhiều ý kiến thống nhất cao nhất về Điều 48 trong Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (có 49.606 ý kiến); Điều 54 trong Chương III – Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (có 77.026 ý kiến); Điều 69 trong Chương IV - Bảo vệ Tổ quốc (có 49.606 ý kiến). Góp ý Điều 54, tuy có ba loại ý kiến khác nhau song đều là các ý kiến tập trung cao. Có 54.763 ý kiến góp ý không nên nói rõ từng thành phần kinh tế, nhưng vẫn hiểu kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. 11.040 ý kiến cho rằng cần ghi rõ từng thành phần kinh tế và nhấn mạnh kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo vì kinh tế Nhà nước có vai trò đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia. 11.223 ý kiến đề nghị đưa cụm từ “nhiều thành phần kinh tế” lên trước cụm từ “nhiều hình thức sở hữu”.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh Nguyễn Thanh Ngân, đợt triển khai lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp hội, được đông đảo cán bộ, hội viên hưởng ứng, say sưa nghiên cứu, góp ý nghiêm túc, trách nhiệm. Ngoài mục đích lấy ý kiến, đây còn là dịp tuyên truyền, nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho hội viên CCB nói riêng và nhân dân nói chung. Tuy còn một số khó khăn,  song nhiều hội CCB cơ sở đã có sáng kiến, khắc phục hiệu quả như phối hợp với các đoàn thể in ấn, xoay vòng tài liệu, tổ chức chung hội nghị... nên việc lấy ý kiến góp ý vẫn đạt chất lượng cao. Trong quá trình triển khai xuất hiện nhiều tập thể làm tốt, đặc biệt là hội CCB ở các xã, phường, điển hình là Hội CCB xã Thụy Bình, Thụy Hồng (Thái Thụy); Chí Hòa (Hưng Hà)... Thực hiện việc tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Hội CCB tỉnh chỉ đạo các cấp hội cùng toàn thể cán bộ, hội viên phát huy truyền thống, nêu cao tính tiền phong gương mẫu, tích cực tham gia góp ý vào phiếu lấy ý kiến cá nhân, gia đình với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tiếp tục góp nhiều ý kiến chất lượng nhằm xây dựng Hiến pháp thành một đạo luật gốc, tiên tiến, phù hợp với thực tế, điều kiện lịch sử của Việt Nam.

Bài, ảnh: Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày