Chủ nhật, 24/11/2024, 13:41[GMT+7]

Kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Thứ 7, 01/10/2022 | 17:07:55
8,620 lượt xem
Sáng ngày 1/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm khác .

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Dự hội nghị tại trụ sở Chính phủ có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Thái Bình, các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh dự hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. 

Tại hội nghị, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2022, kinh tế của đất nước phục hồi tích cực, GDP quý III tăng 13,67%, trong đó: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%; công nghiệp, xây dựng tăng 12,91%; dịch vụ tăng 18,86%; tính chung 9 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 3 khu vực. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn: CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%; tháng 9 ước xuất siêu 1,14 tỷ USD, tính chung 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc: Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt. Giá trị tăng thêm công nghiệp trong quý III ước tăng 12,12% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả năm 2019 là năm trước dịch (tăng 9,38%); tính chung 9 tháng ước tăng 9,63% so với cùng kỳ.

Trên cơ sở kết quả đạt được, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 tăng khoảng 8%, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao và mục tiêu Chính phủ đặt ra đầu năm. Trên cơ sở báo cáo kinh tế - xã hội, các đại biểu tập trung thảo luận, bàn các giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của năm 2022. Đồng thời cho ý kiến vào tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toàn ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, quý IV là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng, là thời điểm nước rút để hoàn thành các mục tiêu của năm 2022 vì vậy đề nghị các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, bám sát vào các mục tiêu, kế hoạch đề ra để triển khai thực hiện. Nhân rộng những kinh nghiệm, mô hình hay và khắc phục những tồn tại, hạn chế; đoàn kết, thống nhất, nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng nhưng bảo đảm linh hoạt, chủ động. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ bảo đảm theo dõi sát diễn biến thị trường, ổn định giá cả. Kiên quyết giải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi số; thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; quan tâm an sinh xã hội…

  Lưu Ngần  

Ảnh: Thành Tâm