Thứ 6, 22/11/2024, 10:36[GMT+7]

Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai

Thứ 5, 03/11/2022 | 16:37:59
5,169 lượt xem
Sáng ngày 3/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận tổ.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa.

Dự thảo Luật Đất đai có bố cục gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII; phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Các đại biểu cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cho rằng đây là dự án luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 18 cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm sự phù hợp trong quy định về trường hợp thu hồi đất giữa dự thảo Luật và Hiến pháp; bảo đảm sự tương thích giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự án luật khác đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; tiếp tục hoàn thiện đánh giá tác động đối với các chính sách trong dự thảo Luật, tránh phân tích định tính; cụ thể hóa tối đa các nội dung trong dự thảo Luật, bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai…

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư. Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình kỳ họp, bắt đầu từ chiều 3/11 đến hết ngày 5/11, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan.

Cuối phiên chất vấn, theo thông lệ tại các kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Về cách thức tiến hành chất vấn như tại các kỳ họp trước đây, với tinh thần dành tối đa thời gian cho việc đặt câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn, người trả lời chất vấn phát biểu một số vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn không quá 5 phút trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn. Thời gian trả lời không quá 3 phút đối với một vấn đề chất vấn.

Theo đó, sau phát biểu khai mạc phiên chất vấn, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng:

- Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội;

- Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản;

- Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.

- Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chịu trách nhiệm trả lời chất vấn. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề có liên quan.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)