Thứ 7, 23/11/2024, 04:49[GMT+7]

Cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể

Thứ 3, 06/12/2022 | 09:48:54
9,385 lượt xem
Tiếp tục chương trình hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), ngày 6/12, các đại biểu được truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy.

Video: 061222_-_CU_THE_CAC_NGHI_QUYET_TW.mp4?_t=1670328003

Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy và trụ sở UBND tỉnh có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy.Các đồng chí: Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.  

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.  

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Việc ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Nghị quyết được ban hành sẽ định hướng, là kim chỉ nam để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua.

Đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã đi sâu phân tích một số nội dung trọng tâm, đột phá cần thực hiện ngay để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới. Cụ thể, Nghị quyết xác định các nhiệm vụ và giải pháp tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh góp phần thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực thông qua việc phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó tập trung xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030. Nghị quyết đã chỉ rõ các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi đủ mạnh để phát triển, tránh dàn trải. Nghị quyết xác định rõ hơn về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bằng các biện pháp cụ thể như về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại hóa trong toàn bộ chuỗi cung ứng; ưu tiên khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn hướng tới nông thôn mới thông minh… Điểm mới trong Nghị quyết lần này là đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải thúc đẩy dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển dịch vụ công nghệ cao, các loại dịch vụ mới của nền kinh tế số. Nghị quyết cũng tập trung nhấn mạnh phát triển hạ tầng kết nối liên vùng, nhất là đường bộ cao tốc; tiếp đến là hạ tầng năng lượng và hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN và các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục của vùng. Có các giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, có tính kết nối theo mạng lưới cao và gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa….

Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước

Truyền đạt chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”- Kết luận số 45-KL/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng đồng thời tập trung đi sâu phân tích làm rõ những định hướng chủ yếu Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, một trong những nguyên tắc, quan điểm quan trọng đó là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế. Phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, mọi chính sách đều phải hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững…

Về không gian phát triển, đồng chí nhấn mạnh nguyên tắc, quan điểm: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản. Bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phải cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung ưu tiên hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã xem xét, thông qua các nghị quyết, kết luận rất quan trọng. Cũng tại hội nghị lần này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng trong phiên khai mạc và bế mạc, đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc 2 bài phát biểu quan trọng này; lấy đó làm kim chỉ nam cho quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận. Đồng chí đề nghị ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung các nghị quyết, kết luận. Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, kết luận cần được tiến hành thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ; đồng thời tuyên truyền, giới thiệu mô hình điển hình, cách làm hay trong quá trình thực hiện; kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt. Chú trọng công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của trung ương bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng nhất là các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở trung ương khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), kế hoạch thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn, khả thi, hiệu quả với phương châm “chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận ở các cấp, các ban tham mưu của Đảng, phải nắm chắc và kịp thời thông tin, báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận ở các cấp theo từng quý, năm. Kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả. Đồng chí tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn Đảng, hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, các nghị quyết, kết luận của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) sẽ sớm đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng tham mưu của hệ thống dân vận các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Cũng trong sáng ngày 6/12, tại điểm cầu Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đã quán triệt những nội dung cơ bản, trọng tâm trong Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 28/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác dân vận trong hệ thống chính trị; Đề án số 05-ĐA/TU ngày 10/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 tới các điểm cầu trong toàn tỉnh. Theo đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Những năm qua, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị và Đề án trong đó xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai tổ chức thực hiện gồm: Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên đối với công tác dân vận. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Nâng cao chất lượng tham mưu của hệ thống dân vận các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đủ phẩm chất, uy tín, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các huyện, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các địa phương, cơ sở nắm chắc các nội dung trong Chỉ thị và Đề án, nghiêm túc triển khai và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.


Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

Trên cơ sở nội dung Chỉ thị số 15-CT/TU, Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo hệ thống dân vận các cấp phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất và triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận bảo đảm đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả, bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, của địa phương. Thường xuyên nắm chắc, phản ánh kịp thời tình hình nhân dân; tăng cường phối hợp tham mưu chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị; phát huy hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh xây dựng các mô hình trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, giải phóng mặt bằng…

Đồng chí Dương Văn Lễ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); đồng thời chỉ đạo hệ thống tuyên giáo các cấp, các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân. Qua đó, đưa việc học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo bầu không khí phấn khởi trong toàn Đảng, toàn xã hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong triển khai xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, đưa nội dung các nghị quyết, kết luận nhanh chóng lan tỏa vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Đồng chí Nguyễn Văn Dực, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương

Xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội chính vì thế ngay sau đợt học nghị quyết này huyện Kiến Xương sẽ tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ nội dung, tầm quan trọng của nghị quyết. Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hạ tầng kết nối nông thôn với đô thị, hạ tầng thương mại, phát triển các thành phần kinh tế, hình thành các cụm công nghiệp sản xuất tập trung, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa... Cùng với đó sẽ xây dựng, bổ sung chương trình kiểm tra, giám sát việc triển khai tổ chức thực hiện để nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả.

Đồng chí Trần Tuấn Khải, Trưởng phòng Quản lý kiến trúc, quy hoạch và phát triển đô thị, Sở Xây dựng

Thực hiện Kết luận số 45-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung tham mưu cho lãnh đạo Sở làm tốt công tác quản lý quy hoạch; phân tích, đánh giá cụ thể việc thực hiện các quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình để làm cơ sở tìm ra động lực, tiềm năng cho quy hoạch tỉnh. Dự báo tỷ lệ đô thị hóa, số lượng tăng thêm về diện tích đô thị, diện tích đất xây dựng đô thị, dự kiến việc hình thành các khu vực phát triển đô thị mới, các dự án tiềm năng về đầu tư phát triển đô thị, phát triển nhà ở, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thực tế của dân cư đô thị về nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong quá trình đô thị hóa… Qua đó đóng góp tích cực vào xây dựng Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính hiệu quả, khả thi cao, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh để tỉnh vươn lên bứt phá, phát triển. 

Đào Quyên - Thu Thủy


  Đào Quyên

Ảnh: Thành Tâm