Thứ 5, 16/01/2025, 00:44[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Việt Nam hướng tới thập niên mới và giai đoạn xa hơn

Thứ 3, 31/08/2010 | 07:52:37
1,392 lượt xem
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ 5 quan điểm phát triển của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược. Ảnh Chinhphu.vn

BTBonline - Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế vừa mới giới tổ chức Hội thảo khoa học nhằm thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế đối với quá trình xây dựng chiến lược phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu với các đại biểu dự hội thảo. Thủ tướng đã gợi mở những nội dung chính của dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 của Việt Nam để các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đóng góp ý kiến.

Mong muốn đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc để phát triển cao hơn; tốc độ tăng GDP bình quân 7 - 8%/năm; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD; thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010…

Lấy chủ đề chính là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN. Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam cần phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược.

Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Xác định ba đột phá: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.  Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Theo Thủ tướng, bước vào giai đoạn chiến lược phát triển mới 2011 - 2020, tuy Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước nghèo nhất, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

Do vậy, việc xây dựng một Chiến lược phát triển phù hợp cho một giai đoạn mới và huy động được nguồn lực để thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Về phía các nhà khoa học, các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế bày tỏ sự thống nhất với dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 do Đảng, Nhà nước Việt Nam xây dựng, cho đây là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong 10 năm tới.

Các đại biểu cũng đóng góp thêm ý kiến để Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn 2011 - 2010. Nhiều đại biểu đã nêu vấn đề để cùng giải quyết. Đó là làm thế nào để đạt được sự tăng trưởng bền vững, từ đó tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, như một số nước mắc phải sau khi thoát ra khỏi nước nghèo, kém phát triển.

Tiến sỹ Justin Lin, Phó Chủ tịch cấp cao, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho rằng, cần chuyển đổi từ mở rộng sản xuất bằng cách huy động nhiều yếu tố sản xuất sang mở rộng sản xuất dựa trên tăng năng suất; chuyển từ chỗ chú trọng về khối lượng các nguồn lực sang chú trọng chất lượng các nguồn lực. Cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tránh “cú sốc chính sách”; cải cách cơ cấu kinh tế; đổi mới xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng giá trị gia tăng; nâng cấp cơ sở hạ tầng; tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao...

Giáo sư Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam góp ý, các chính sách cần hướng tới phát triển nhanh giáo dục, đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế; tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển mạnh kinh tế biển, ven biển, các vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực, các khu kinh tế tự do, vùng và cụm công nghiệp hỗ trợ.

  • Từ khóa