Chủ nhật, 24/11/2024, 03:02[GMT+7]

Thái Bình xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố về chỉ số SIPAS

Thứ 4, 19/04/2023 | 16:12:29
15,536 lượt xem
Sáng ngày 19/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình thực hiện cải các thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp; công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 và Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (PAR INDEX) năm 2022.

Các đồng chí: Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ dự phiên họp tại điểm cầu Thái Bình.

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

Đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Thái Bình. 

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt nhiệm vụ CCHC, trong đó chú trọng thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số; đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, trong đó gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình thực thi nhiệm vụ, tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đến nay, đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định. Đến nay có hơn 79,5 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 60 địa phương. Việc gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và chuẩn hóa báo cáo, chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử góp phần đơn giản hóa TTHC nội bộ, giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm công khai, minh bạch. Đến nay đã có hơn 19,5 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia, giúp tiết kiệm 1.200 tỷ/năm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đề nghị thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả công tác CCHC. Bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương, chính sách pháp luật của nhà nước để chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số theo phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” một cách thực chất và hiệu quả hơn. Đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu bảo đảm trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Thống nhất quan điểm gắn cải cách TTHC với chuyển đổi số, cải cách TTHC đóng vai trò dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ để hiện đại hóa nền hành chính quốc gia. Tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương trong CCHC, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Chú trọng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu quả đạt được mục tiêu đề ra. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường khả năng thực thi của cấp dưới; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, khách quan kết quả, hiệu quả đạt được của việc triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ đã đề ra. Chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, các ngành; không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền. Xử lý các TTHC của người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân. Có giải pháp ngăn chặn những nguy cơ ảnh hưởng đến CCHC. Chú trọng công tác truyền thông chính sách, đặc biệt là những vấn đề mới để người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời.

Cũng tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã công bố xếp hạng chỉ số SIPAS và PAR INDEX năm 2022. Về chỉ số SIPAS năm 2022, Thái Bình xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố tăng 27 bậc so với năm 2021. Về chỉ số PAR INDEX năm 2022, Thái Bình xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố tăng 7 bậc so với năm 2021.

 Đào Quyên

Ảnh: Thành Tâm