Thứ 6, 27/12/2024, 20:02[GMT+7]

Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng

Thứ 5, 04/05/2023 | 17:48:05
14,125 lượt xem
Chiều ngày 4/5, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát số 3 giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 tại Thái Bình.

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát số 3 phát biểu tại buổi giám sát.

Video: 040523_-_Giam_sat_phat_trien_nang_luong.mp4?_t=1683213679

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi giám sát. 

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh: Thái Bình có nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng, tỉnh nằm trong bể than sông Hồng có trữ lượng rất lớn trên 30 tỷ tấn; ngoài ra, còn có năng lượng khí, tiềm năng phát triển điện mặt trời, điện gió. UBND tỉnh đã ban hành 30 văn bản quy định triển khai về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 bám sát định hướng, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh, của quốc gia. Thái Bình đã được xây dựng, cải tạo lưới điện đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sản lượng điện thương phẩm trong những năm qua đạt gần 3 tỷ kWh/năm, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,94%. Ngoài ra, Trung tâm điện lực Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng công suất 1.800MW gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2. Thái Bình cũng đang tập trung phát triển điện khí, điện mặt trời, điện gió và điện rác. Đối với lĩnh vực xăng dầu, tỉnh đang xây dựng phương án phát triển kết cấu hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên địa bàn tỉnh có gần 240 cửa hàng xăng dầu, 2 kho dự trữ xăng dầu và 5 kho nhỏ với tổng sức chứa 75.000m3 đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và bảo đảm định mức dự trữ bắt buộc. Hàng năm, UBND tỉnh cũng đưa chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng vào các kế hoạch, chương trình phát triển năng lượng cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thái Bình kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điện VIII, quy hoạch tỉnh; có chủ trương về cơ chế, chính sách giúp tỉnh thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, tiếp cận, sử dụng vốn vay để phát triển năng lượng. Điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của tỉnh Thái Bình; những thuận lợi, tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực thi pháp luật về phát triển năng lượng; vấn đề bảo vệ môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng, kế hoạch phát triển năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Đại biểu dự buổi giám sát.

Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu, tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn giám sát và sẽ chỉ đạo nghiên cứu tiếp tục đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển năng lượng của tỉnh giai đoạn tới; đồng thời giải trình một số ý kiến liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư gắn với tiết kiệm và sử dụng năng lượng hợp lý; các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển điện khí và phát triển kinh tế biển.

Phát biểu kết luận, đồng chí Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao kết quả cũng như các giải pháp, chiến lược phát triển năng lượng của tỉnh Thái Bình. Đồng chí đề nghị lãnh đạo tỉnh, ngành chuyên môn tiếp thu các ý kiến, bổ sung sớm hoàn thiện báo cáo. Trong đó, đánh giá rõ những mặt đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trên 2 mặt chính là xây dựng hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Bổ sung các nội dung bảo đảm tính thích hợp, đầy đủ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp. Có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại đã chỉ ra; phối hợp với các cơ quan trung ương đánh giá tính khả thi để khai thác hiệu quả các tiềm năng năng lượng của tỉnh. Làm rõ các số liệu về cung cầu năng lượng hiện nay, nhu cầu năng lượng trong tương lai; làm tốt công tác quy hoạch các dự án năng lượng; quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho phát triển năng lượng của tỉnh. 

Với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng chí tiếp thu, tổng hợp trình Quốc hội xem xét giải quyết.

Tin: Thu Hiền

Ảnh: Thành Tâm