Thứ 7, 23/11/2024, 23:52[GMT+7]

Không lợi dụng việc xây dựng pháp luật để hợp thức hóa những sai phạm

Thứ 6, 26/05/2023 | 14:11:16
2,712 lượt xem
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh quan điểm “tuyệt đối không lợi dụng việc xây dựng pháp luật để hợp thức hóa những sai phạm”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra trong phiên họp sáng 26/5. (Ảnh: DUY LINH).

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết trong phiên họp sáng 26/5, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nêu rõ, các quy định cần mang tính thiết thực, góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đã và đang cản trở tiến trình phát triển.

Đồng thời, phải khơi thông được nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng phát triển thời gian qua.

Đặc biệt, chính sách mới cần mang tính “đột phá” mạnh mẽ, “vượt trội” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội; song cũng cần khả thi, phù hợp thực tiễn; có trọng tâm, tránh dàn trải, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.

Dự thảo Nghị quyết có 2 nhóm chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể, gồm: các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội; các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo với 4 nhóm vấn đề: đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy. 


Đánh giá tác động đối với ngân sách nhà nước khi ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược

Về chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào TP Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh điều này là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết 31-NQ/TW và tạo động lực để Thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Qua nghiên cứu Dự thảo, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy: đối tượng thu hút là các dự án quy mô vốn trung bình; lĩnh vực, phạm vi ưu tiên thu hút rộng; điều kiện cần đáp ứng khá đơn giản; số lượng doanh nghiệp, dự án tại Thành phố là rất lớn, dẫn đến việc áp dụng ưu đãi có thể tác động đến ngân sách nhà nước.

Mặt khác, TP Hồ Chí Minh có đặc thù riêng, giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động thận trọng, đặc biệt tác động đối với ngân sách nhà nước, đưa ra dự ước cụ thể để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Liên quan đến ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng danh mục quy định trong dự thảo Nghị quyết có phạm vi, lĩnh vực, ngành nghề khá rộng, quy mô vốn đầu tư ở mức trung bình tương ứng với từng loại hình. Điều này dẫn đến phạm vi ưu đãi là khá lớn, do đó, đề nghị rà soát, thu hẹp danh mục ngành nghề ưu đãi tại khoản này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị làm rõ cơ sở, cách thức xác định tiêu chí về tổng tài sản 25 nghìn tỷ đồng trở lên đối với điều kiện về năng lực tài chính của nhà đầu tư chiến lược, vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng việc định giá tài sản đầu tư.

Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ nội hàm nhà đầu tư phải “chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không thực hiện đúng cam kết của mình” để bảo đảm tính minh bạch, đủ căn cứ thực hiện; bổ sung quy định, trường hợp nhà đầu tư nếu không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan thì sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch triển khai các dự án phát triển đô thị

Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD - Transit Oriented Development) - là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Đa số ý kiến tán thành với việc áp dụng thí điểm mô hình trên, vì đây là chủ trương, cách làm đúng đắn, tuân thủ Nghị quyết 31, theo đó đặt ra nhiệm vụ là phát triển “các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga Metro theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD)”.

Ngoài ra, chính sách này góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông; làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại; góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch triển khai các dự án phát triển đô thị.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ và bao quát, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị bổ sung quy định: trách nhiệm trong tuân thủ quy hoạch; nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong bồi thường.

Quang cảnh phiên họp sáng 26/5. (Ảnh: DUY LINH).

Đề xuất mở rộng các lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; đồng thời, được áp dụng hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu...

Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến nhận thấy các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa không thuộc phạm vi của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, song để đáp ứng yêu cầu thực tế và thực hiện chủ trương xã hội hóa thì có thể nhất trí với quy định cho phép áp dụng PPP đối với lĩnh vực này.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc không thực hiện PPP đối với các di tích, di sản văn hóa vì đây không phải là điểm nghẽn cần phải được tháo gỡ để mang tính lan tỏa. Hơn nữa đây là lĩnh vực thiêng liêng và có tính nhạy cảm; những công trình này cần được quản lý, gìn giữ gắn với trách nhiệm Nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc không thực hiện PPP đối với các di tích, di sản văn hóa vì đây không phải là điểm nghẽn cần phải được tháo gỡ để mang tính lan tỏa. Hơn nữa đây là lĩnh vực thiêng liêng và có tính nhạy cảm; những công trình này cần được quản lý, gìn giữ gắn với trách nhiệm Nhà nước. 


Một số ý kiến đề nghị áp dụng PPP đối với cả lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ.

Đối với đề xuất áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì xét về yêu cầu thực tiễn, cần thiết có cơ sở pháp lý để huy động thêm nguồn lực cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông trên địa bàn Thành phố.

Xét về căn cứ pháp lý, Luật PPP năm 2020 không quy định hạn chế, không bó hẹp các dự án BOT chỉ được áp dụng đối với tuyến đường mới. Những vướng mắc phát sinh thời gian trước đây là do yếu kém trong tổ chức thực hiện, không do quy định pháp luật.

Để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định: trách nhiệm lựa chọn những công trình thật sự phù hợp với tính chất BOT; cần đưa ra nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích, không tạo gánh nặng thuế, phí cho người dân, không làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa; tránh xảy ra khiếu kiện.

Theo: nhandan.vn