Đại biểu Quốc hội ủng hộ kéo dài thời hạn thị thực điện tử để hút khách quốc tế
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều nay, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Gỡ điểm nghẽn cho du lịch Việt Nam
Liên quan dự án Luật này, trong buổi thảo luận tại Tổ 14, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường - đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương kiến nghị, nên cân nhắc, đề xuất thêm về tăng thời gian quá cảnh, lưu trú của người nước ngoài ở Việt Nam.
“Hiện chúng ta quy định 45 ngày thì cũng chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, chưa thực sự thông thoáng cũng như chưa thực sự tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển du lịch”, đại biểu Bùi Văn Cường nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 14. (Ảnh: TRUNG HƯNG).
Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cần cân nhắc, tính toán thêm về vấn đề này. “Các đại biểu Quốc hội cũng cần có thêm các ý kiến để khi tổng hợp giải trình, các cơ quan có thẩm quyền sẽ nghiên cứu thêm theo hướng có thể tăng thời gian này lên 60 ngày, thậm chí 90 ngày thì mới có thể thúc đẩy phát triển du lịch được”, đại biểu tỉnh Hải Dương nêu kiến nghị.
Đại biểu Bùi Văn Cường phân tích, thông thường khách châu Âu, châu Mỹ sang Việt Nam du lịch rồi vào các nước ASEAN thì chỉ cần đi 1 nước là có thể qua các nước khác trong khu vực và quay lại đây để trở về nước của họ.
“Rõ ràng nếu chúng ta cân nhắc, tính toán chỗ này thì có thể mở rộng thêm đối tượng và như thế sẽ giúp thúc đẩy du lịch hơn”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ nhất trí với đề xuất sửa đổi, bổ sung để nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng và có giá trị nhiều lần.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Theo đại biểu, thị thực điện tử được cấp thí điểm từ năm 2017 dưới hình thức trực tuyến cho người nước ngoài. Ở thời điểm hiện tại, thị thực điện tử chỉ có giá trị 1 lần và thời hạn không quá 30 ngày. Do đó, đề xuất tăng thời hạn điện tử dài hơn theo phương án đề xuất trong dự thảo Luật đại biểu cho rằng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.
Theo đó, sẽ tạo thuận tiện cho nhu cầu nghỉ dưỡng, khai thác, tìm hiểu thị trường hay tìm kiếm cơ hội đầu tư cho khách nước ngoài đến Việt Nam, vì công việc này đòi hỏi thời gian lưu trú dài, nếu thời hạn thị thực chỉ không quá 30 ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ hội đón khách nước ngoài có nhu cầu lưu trú dài ngày ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc thời gian lưu trú dài ngày hơn với khách nước ngoài có thị thực điện tử sẽ phù hợp với thời gian lưu trú với người nước ngoài chịu trách nhiệm thành lập các đơn vị hiện diện thương mại hay các nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng tại Việt Nam.
Đại biểu tỉnh Hải Dương nêu rõ, trong thời gian vừa qua, một trong những điểm nghẽn chính đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đó là vấn đề thị thực điện tử.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu thí dụ Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế trở lại từ ngày 15/3/2022, theo đánh giá đây là thời điểm khá sớm so các nước trong khu vực, với mục đích mở cửa sớm để đón đầu cơ hội phục hồi du lịch và tiếp nhận nhiều khách du lịch quốc tế, nhưng kết quả lại chưa đạt yêu cầu khi đến cuối năm 2022 mới chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng 70% kế hoạch.
“Trong khi đó, các nước trong khu vực đạt kết quả ấn tượng hơn chúng ta rất nhiều, mặc dù thời điểm mở cửa của các nước lại sau Việt Nam, như Thái Lan đón hơn 11 triệu khách, Singapore 6,3 triệu lượt, và Indonesia 5 triệu đều vượt mục tiêu đề ra, mặc dù Việt Nam mở cửa rất sớm và có lộ trình tôi cho rằng khá hợp lý mà chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phân tích.
Đại biểu chỉ rõ sau khi rà soát, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là việc cấp thị thực của chúng ta chưa được thông thoáng như các nước trong khu vực.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 14 chiều 27/5. (Ảnh: TRUNG HƯNG).
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực về du lịch như hiện tại, nhiều nước tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn cho khách quốc tế như miễn thị thực, thí dụ Malaysia và Singapore miễn thị thực cho du khách đến từ 162 quốc gia, Phillippines 157 quốc gia, Thái Lan 65 quốc gia, còn Việt Nam chỉ có 24 quốc gia. Theo đại biểu, đây cũng là một trong những điểm trừ của du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, thời gian miễn thị thực của các nước ASEAN cũng rất dài, từ 30 đến 45 ngày, thậm chí lên đến 90 ngày lưu trú như ở Thái Lan, còn Việt Nam mới chỉ là 15 ngày.
“Có thể nói cùng với sự lớn mạnh của ngành du lịch, chúng ta xác định có sản phẩm hấp dẫn như du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, du lịch sinh thái… hướng đến thị trường khách quốc tế có nguồn thu dồi dào hơn thị trường nội địa và lưu trú dài ngày tại Việt Nam thì nhất thiết phải cân nhắc, xem xét việc kéo dài thời gian hiệu lực của thị thực điện tử”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng hơn để có được con số thống nhất, bởi hiện theo dự thảo Luật đang sử dụng “không quá 3 tháng” hay “không quá 30 ngày”, trong khi các nước thường tính theo đơn vị ngày.
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng bày tỏ mong muốn, bên cạnh việc kéo dài thời hạn thị thực điện tử, Ban soạn thảo cũng cần có sự rà soát để tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam, vì nếu chặt chẽ quá trong vấn đề này thì “du lịch Việt Nam sẽ rất thiệt thòi”.
Chìa khóa để du lịch Việt Nam cất cánh
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ. (Ảnh: quochoi.vn).
Đồng tình với các sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật liên quan thời hạn thị thực điện tử và lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cho biết, đây là các nội dung hết sức cần thiết, cấp bách cần sửa đổi ngay nên sẽ xem xét để quyết định trong kỳ họp.
Dẫn chứng các con số để thấy cần làm sớm hơn để thúc đẩy du lịch, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2019, ở thời điểm trước khi có dịch Covid-19, nước ta đạt 19 triệu lượt khách du lịch quốc tế, lúc đó Thái Lan đạt 25 triệu khách. Năm 2022, nước ta đặt mục tiêu phục hồi sau dịch rất lớn với 5 triệu khách quốc tế nhưng kết quả chỉ đạt 3,6 triệu khách, trong khi đó, 2 nước láng giềng là Thái Lan đạt 11 triệu khách, Malaysia đạt 9,2 triệu.
“Nói như vậy để thấy phục hồi du lịch của Việt Nam rất chậm. Bởi ngay từ đầu năm 2022 Thái Lan đã có rất nhiều chính sách về gia hạn thị thực, kéo dài thời gian lưu trú, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nhập cảnh bằng hình thức trực tuyến và qua tất cả các cửa khẩu”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, nước ta đạt được khoảng 3,7 triệu khách du lịch quốc tế, so với mục tiêu 8 triệu khách năm nay vẫn còn thách thức. Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu năm 2023 đón 15 triệu khách quốc tế; đến năm 2030 khi Việt Nam đặt mục tiêu 35 triệu thì Thái Lan đặt mục tiêu 80 triệu khách.
“Những con số như vậy cho thấy việc tháo gỡ các thủ tục về thị thực là một trong những chìa khóa hết sức quan trọng để giúp du lịch Việt Nam cất cánh. Bởi xét về mặt tự nhiên hay các điều kiện khác thì chúng ta cũng không thua kém gì, tại sao du lịch Việt Nam lại có một khoảng cách rất xa so với các nước chung quanh”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi.
Trong việc sửa luật lần này, đại biểu Đoàn TP Cần Thơ mong muốn sẽ áp dụng nhiều nhất cho số lượng các nước được hưởng chính sách mở rộng thời gian lưu trú, thị thực. Qua khảo sát đánh giá, việc khó khăn trong xin cấp thị thực là một rào cản rất lớn, ngoài ra là chất lượng dịch vụ và các ưu đãi thu hút khác.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình
- Đại hội Hội Doanh nhân nữ tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thăm, động viên các gian hàng chào mừng Đại hội Hội Doanh nhân nữ tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và các dự án luật
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả
- Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
- Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Bình