Thứ 5, 07/11/2024, 10:16[GMT+7]

Phát huy lợi thế nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng, tránh bẫy thu nhập trung bình

Thứ 5, 01/06/2023 | 10:41:07
3,341 lượt xem
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng, nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai, đồng thời đứng trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 1/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Sáng 1/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. 

Vì sao thường xuyên không đạt chỉ tiêu năng suất lao động?

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) ghi nhận báo cáo đánh giá bổ sung phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã nêu nhiều kết quả tích cực, tạo niềm phấn khởi cho cử tri.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Theo đại biểu, trong bối cảnh thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị, Việt Nam vẫn giữ chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng nhẹ 3,15% trong khi GDP tăng tới 8,02% năm 2022. Đây là thành công đáng kể, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu cũng cho hay chỉ có 2 trên 15 chỉ tiêu được giao là chưa đạt, phản ánh chất lượng tăng trưởng. Đặc biệt, chỉ tiêu năng suất lao động chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu 5,5% trong Nghị quyết Quốc hội đề ra nhưng chưa được phân tích kỹ để tìm nguyên nhân tại sao thường xuyên không đạt chỉ tiêu này.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, nếu không tìm đúng nguyên nhân thì sẽ không có giải pháp và như vậy, năm 2023 lại có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu này trong Nghị quyết 68 của Quốc hội.

“Đây là chỉ tiêu cực kỳ quan trọng giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, vì rõ ràng không thể tăng GDP liên tục, tốc độ cao mà chỉ dựa vào vốn và lao động giá rẻ như thời gian trước đây”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Cũng quan tâm đến vấn đề năng suất lao động đạt thấp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhấn mạnh, năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia, song ở nước ta, năm 2022, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chỉ đạt 4,8%, thấp hơn chỉ tiêu 5,5% Quốc hội giao và đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội đề ra mục tiêu: Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm.

Theo đại biểu, với xuất phát điểm 4,8% của năm 2022, để đạt được mục tiêu 5-6% của năm 2023, tiến tới mục tiêu 6,5% của giai đoạn 2021-2025 cần có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ.

Tuy nhiên, Báo cáo số 232/BC-CP ngày 17/5/2023 của Chính phủ lại chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân chưa đạt, từ đó đề xuất các giải pháp riêng nhằm đạt chỉ tiêu này cho năm 2023.

Phát huy lợi thế nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng

Khẳng định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ: “Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau”.

Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn)


Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành 3 chiến lược: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục, Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn 2021-2030.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thể chế hóa và thực thi trên thực tế quan điểm của Đảng về các đột phá chiến lược.

Tuy nhiên, ngoài 3 dự án thành phần về phát triển nguồn nhân lực trong các chương trình mục tiêu quốc gia áp dụng cho các đối tượng đặc thù thì vẫn chưa có một chương trình tổng thể ở tầm Quốc hội liên quan đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận sáng 1/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, để một mặt phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, một mặt chuẩn bị các điều kiện cần thiết thích ứng với thời kỳ dân số già sẽ xảy ra trong tương lai.

Bên cạnh đó, Quốc hội cần ưu tiên xem xét các luật liên quan khoa học-công nghệ, giáo dục và đào tạo để thể chế hóa quan điểm của Đảng và quy định của Hiến pháp: Khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu, từ đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cần giải pháp tăng năng suất lao động cho khu vực công

Tranh luận với một số ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Nếu tăng lương thì tăng bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng trên thế giới, đại biểu nêu câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu tranh luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh phân tích, ngoài tăng lương, có thể nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động, như được cung cấp đãi ngộ bằng chính sách nhà ở xã hội, con cái được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng như một số nước trên thế giới đang áp dụng, chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ…

Theo đại biểu, giải pháp này hầu hết được các nước áp dụng và cũng là chính sách ưu đãi thu hút nhân lực vào khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá, lạm phát cao và tăng lương khó có thể gánh vác hết.

Do đó, đại biểu Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động cho khu vực công, bởi theo đại biểu năng suất thấp nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống nhiều hơn là lỗi cá nhân.

“Chúng ta chưa thiết kế được quy trình làm việc khoa học, các quy định, hướng dẫn, tập huấn chưa đầy đủ, nghị định, thông tư, luật định chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu, dẫn tới công chức không biết đâu mà làm, mạnh dạn làm thì lúc đúng lúc sai cho nên không hiệu quả, năng suất thấp”, đại biểu thành phố Hà Nội cho biết.

Theo: nhandan.vn