Đưa dịch vụ OTT viễn thông vào quản lý, nhưng không “trói” doanh nghiệp
Tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số
Sáng 10/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Phát biểu thảo luận tại Tổ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật viễn thông năm 2009 là cần thiết, nhất là trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chuyển đổi số có liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng như chủ quyền số quốc gia, an toàn, an ninh phi truyền thống… Một mặt, chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội nhưng mặt khác cũng có nhiều rủi ro, thách thức.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần xem xét, nhìn nhận dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) này trên bình diện rộng hơn để tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số của nước ta, hướng tới Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
“Thời gian vừa qua, Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều nỗ lực. Vừa rồi, đầu nhiệm kỳ đã sửa Luật Sở hữu trí tuệ, đã ban hành trong nhiệm kỳ này Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử sẽ được biểu quyết thông qua trong kỳ họp này, hiện đang bàn Luật Viễn thông, tới đây dự kiến sẽ có Luật Công nghệ thông tin và nghiên cứu để ban hành luật về Chính phủ số để tạo nền tảng cho dữ liệu lớn, qua đó thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật viễn thông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc sửa luật phải được đặt trong tổng thể để phù hợp với các luật khác.
Theo Chủ tịch Quốc hội, khi xây dựng dự án Luật, các cơ quan Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã rà soát, cho thấy luật này có liên quan đến khoảng 205 văn bản pháp quy phạm pháp luật còn hiệu lực và 12 điều ước quốc tế, trong đó có liên quan đến 64 luật, 72 nghị định, 65 thông tư, 4 thông tư liên tịch, 12 điều ước quốc tế thuộc loại hiệp định hoặc công ước.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4 sáng 10/6. (Ảnh: DUY LINH).
Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát rất kỹ lưỡng, có danh mục kèm theo trong hồ sơ và đã kỳ công đưa ra những phương án để xử lý các mối quan hệ này, song do số lượng văn bản pháp quy phạm pháp luật có liên quan nhiều, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều quan trọng nhất là cần phải tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tập trung rà soát 5 nhóm cam kết quốc tế trong dự án Luật, gồm các cam kết về mở cửa thị trường, thể chế, môi trường kinh doanh viễn thông, luật pháp quốc tế, thủ tục tại các diễn đàn, tổ chức chuyên môn và các khái niệm trong lĩnh vực viễn thông đã được định nghĩa trong các điều ước quốc tế.
“Chúng ta phải rà soát để luật này phải bảo đảm những quy định bắt buộc thực hiện theo các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia, đồng thời bảo đảm không có những quy định trái ngược hoặc đi ngược các cam kết quốc tế”, Chủ tịch Quốc nêu rõ.
Đánh giá kỹ tác động chính sách trong quản lý dịch vụ viễn thông
Về phạm vi điều chỉnh của luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội xem thấu đáo việc điều chỉnh này, trong bối cảnh Luật Viễn thông 2009 tập trung điều chỉnh hoạt động kinh doanh viễn thông, còn trong dự án Luật này tại Điều 1 lại xác định điều chỉnh hoạt động viễn thông.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hải Phòng phát biểu thảo luận tại Tổ 4. (Ảnh: DUY LINH).
“Bởi vì nếu mà nói hoạt động viễn thông thì rộng hơn rất nhiều so với kinh doanh viễn thông, kinh doanh viễn thông chỉ là một nội hàm của hoạt động viễn thông”, Chủ tịch Quốc phân tích.
Bên cạnh việc thuyết minh rõ ràng phạm vi điều chỉnh của hoạt động viễn thông trong dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng khi sửa luật này cần phân tích kỹ chính sách, tác động của dự án luật tới lợi ích quốc gia và của doanh nghiệp trong nước cũng như các thành phần kinh tế thuộc đối tượng áp dụng của luật này.
Về điểm mới trong dự án Luật so với Luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm và tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn. Theo đó, có 3 nội dung mới được đưa vào dự thảo, bao gồm trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (dịch vụ OTT).
Nêu rõ hiện còn các ý kiến khác nhau liên quan việc đưa vào quản lý các đối tượng này, Chủ tịch Quốc hội phân tích và bày tỏ ủng hộ phương án đề xuất cân nhắc, đánh giá kỹ tác động chính sách để đưa 3 dịch vụ này vào dự thảo Luật trên quan điểm quản lý ở một mức độ phù hợp, để bảo đảm khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông và cũng không làm ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Thêm vào đó, cần nghiên cứu bổ sung kinh nghiệm các quốc gia và quốc tế để quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và OTT về cấp độ quản lý và điều kiện quản lý.
“Có quy định nhưng cũng phải có độ mở, linh hoạt. Cá nhân tôi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thiên về hướng này. Đặt ra quy định nhưng không phải cái gì cũng đưa hết vào luật rồi lại “trói chân, trói tay”, cuối cùng lại để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phản ứng nếu quy định chưa phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Có quy định nhưng cũng phải có độ mở, linh hoạt... Đặt ra quy định nhưng không phải cái gì cũng đưa hết vào luật rồi lại “trói chân, trói tay". Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Nhấn mạnh dự án Luật này rất sâu về mặt chuyên môn, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định có những quan điểm, chủ trương chính sách lớn cần phải tính kỹ khi xây dựng dự thảo.
“Đừng nghĩ rằng một luật mang tính kỹ thuật như thế này mà lại không có tác động xã hội lớn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đồng thời khẳng định sửa luật là chuyện phải làm nhưng phải phù hợp với bối cảnh trong nước và với xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay.
“Quan trọng là chúng ta đi đúng hướng. Quan điểm lớn mà gặp nhau rồi thì sau này thiết kế về mặt kỹ thuật và các vấn đề khác sẽ không phải việc quá khó và như thế luật mới có “tuổi thọ” dài hạn được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng