Thứ 5, 07/11/2024, 12:19[GMT+7]

Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết

Thứ 2, 19/06/2023 | 16:18:59
3,947 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, chiều ngày 19/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các vị đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Luật Giá (sửa đổi).

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các vị đại biểu tại phiên họp.

Thông qua dự thảo nghị quyết, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, Chính phủ đã thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chính sách phòng chống dịch, an sinh xã hội. Tổng thu ngân sách tăng 17,2% so với dự toán, trong đó thu nội địa vượt 15,9% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 21,2% so với dự toán; công tác quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2021 chủ động, chặt chẽ, bảo đảm chi các lĩnh vực quan trọng, ưu tiên thực hiện cho phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, Quốc hội cũng đánh giá việc dự báo, đánh giá tình hình, công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 vẫn còn những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát, thấp hơn số thực hiện năm trước; một số bộ, ngành, địa phương phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư chậm, chưa phân bổ chi tiết ngay từ đầu năm, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn nhiều lần trong năm; số nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; chi chuyển nguồn tiếp tục tăng về quy mô và tỷ trọng; lập, thẩm định, trình quyết toán ngân sách nhà nước còn chậm so với thời hạn quy định; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm; việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, địa phương theo các nghị quyết của Quốc hội thực hiện chưa nghiêm.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương, HĐND, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách nhà nước xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế nêu trên; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước để không lặp lại các tồn tại, hạn chế này trong các năm sau.

Dự thảo Luật Giá sửa đổi đã được đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp, gồm 8 chương, 75 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá. Luật sửa đổi một số quy định mới về bình ổn giá; về định giá của Nhà nước; về hiệp thương giá, kê khai giá, niêm yết giá, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá; về thẩm định giá; về thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; về bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan. Luật Giá sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật Giá số 11/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 61/2014/QH13, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 07/2022/QH15 hết hiệu lực từ ngày luật này có hiệu lực thi hành trừ các quy định chuyển tiếp cụ thể tại điều 75 luật này.

Trước đó, tại phiên họp buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp tại hội trường thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đã có 28 ý kiến đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận vào nội dung dự thảo luật. Các vị đại biểu Quốc hội thống nhất đánh giá đây là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, liên quan chặt chẽ đến nhiều dự án luật khác về đất đai, đầu tư, đấu thầu, giá, kinh doanh bất động sản, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, chính sách, an sinh xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh của đất nước. Theo hồ sơ dự án luật, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 điều, so với Luật Nhà ở hiện hành tăng 13 điều, bãi bỏ 7 điều trong luật cũ, giữ nguyên 47 điều, sửa đổi, bổ sung 104 điều, bổ sung mới 34 điều, luật hóa từ nghị định 11 điều. Ngoài các vấn đề chung về sự cần thiết ban hành luật, hồ sơ dự án luật, các đại biểu tập trung thảo luận vào 6 nhóm vấn đề lớn, 4 nhóm vấn đề về tính thống nhất của dự thảo Luật và một số vấn đề cụ thể khác như: các vấn đề về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư, chính sách phát triển nhà ở xã hội, vấn đề nhà lưu trú cho công nhân; sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành và nhất là với các luật mà Quốc hội đang xem xét, thảo luận; tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật để khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Nhà ở hiện hành…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)