Thứ 2, 09/12/2024, 01:35[GMT+7]

Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết

Thứ 5, 22/06/2023 | 17:45:03
9,387 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 22/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự phiên họp.

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 468/477 đại biểu tham gia biểu quyết thông qua luật này (đạt tỷ lệ 94,74%). Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều có một số điểm mới so với Luật hiện hành. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Với tỷ lệ 96,36% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông và cho rằng, các nội dung trong dự thảo Luật đã thể chế hóa khá đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng: hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt; ưu tiên đầu tư nhanh, đi trước một bước; khắc phục vướng mắc, bất cập, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Viễn thông phải xuất phát từ thực tiễn bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng giao thoa hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa, phát thanh truyền hình, điện ảnh ngày càng gia tăng; bổ sung đầy đủ hơn để đánh giá tác động của các chính sách mới trong dự thảo Luật. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cần cân nhắc về mức độ quản lý cho phù hợp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm chặt chẽ, khả thi và hạn chế việc tăng chi phí của doanh nghiệp và phù hợp với cam kết quốc tế.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo các nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024, đó là: Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” và Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Theo đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm đại tá lên thiếu tướng; về quy định tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn; về bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân; về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an. Luật được biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

Tiếp tục chương trình phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và quản lý nhà nước; hướng tới mục tiêu năm 2025 Việt Nam thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, để việc xây dựng, ban hành Luật Căn cước công dân được chặt chẽ, phát huy có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, các đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tới các bộ, ngành, địa phương, nhất là bảo đảm việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của chính quyền cơ sở cấp xã, cấp huyện, của các tổ chức được giao thực hiện dịch vụ công… phát huy tối đa hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)