Thứ 6, 22/11/2024, 20:51[GMT+7]

Quốc hội tiếp tục thảo luận và biểu quyết thông qua luật, nghị quyết

Thứ 6, 23/06/2023 | 19:45:23
9,840 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 23/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) với tỷ lệ 93,12% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự phiên họp.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 96 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Luật sửa đổi có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành, như: về đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, về các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; về một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; về chào hàng cạnh tranh; bổ sung quy định về giá gói thầu; về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; quy định đối với trường hợp không thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả và mua vắc-xin để tiêm chung theo hình thức dịch vụ; Luật cũng đã quy định hướng dẫn mua sắm thuốc, vật tư y tế của cơ sở khám chữa bệnh tư nhân; về ưu đãi cho các thuốc sản xuất trong nước; quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu; quy định về trường hợp phát sinh tình huống chưa được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu; quy định về giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu; Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Xây dựng và Bộ Luật dân sự năm 2015, thể hiện cụ thể tại các điều sửa đổi của dự thảo Luật và làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu, bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo…

Tiếp đó, các đại biểu tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Dự thảo Luật có bố cục gồm 6 Chương, 34 Điều. Nội dung của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 04 nhóm chính sách, gồm: (1) Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; (2) Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; (3) Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự; (4) Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Các đại biểu cho rằng, hồ sơ dự thảo Luật cơ bản đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã bổ sung báo cáo lồng ghép bình đẳng giới, 2 dự thảo nghị định và 1 dự thảo thông tư; nhiều tài liệu nghiên cứu, được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Các đại biểu cũng đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sau khi nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, với 470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,14%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới như: về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; về cách tính tỷ lệ kết quả phiếu tín nhiệm;… Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Sau đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tham gia thảo luận, các đại biểu thể hiện đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, vận hành thông suốt thị trường bất động sản; quản lý chặt chẽ cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên đất; xây dựng thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, phát triển đô thị, các dự án kinh doanh bất động sản phù hợp với quy hoạch, nhu cầu của thị trường, phát triển nhà ở, đặc biệt ở nhà ở xã hội,  bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; minh bạch hóa thị trường; bảo đảm công bằng xã hội đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)