Thứ 6, 27/09/2024, 22:29[GMT+7]

Tỉnh Thái Bình Xây dựng trường trung cấp nghề cho người khuyết tật

Thứ 5, 09/09/2010 | 15:24:50
2,812 lượt xem
Trong những năm qua, Sở Lao động – TBXH luôn nỗ lực, cố gắng, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực lao động - việc làm, chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Đặng Khiêu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - TBXH chung vui với các em học sinh của trường.

Thành tích của Sở Lao động – TBXH có sự đóng góp quan trọng của Trường trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình. Ba mươi năm qua, kể từ ngày thành lập đến nay, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên của trường đã đoàn kết một lòng, khắc phục và vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Nhà trường đã hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ được giao là dạy văn hóa, dạy nghề cho con em gia đình, đối tượng chính sách, trẻ em khuyết tật, các cháu mồ côi và các đối tượng xã hội khác.

Trong ba mươi năm xây dựng và hoạt động, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, yếu tố con người còn nhiều thiếu thốn, bất cập song nhà trường vẫn tổ chức đào tạo được hàng chục khóa văn hóa chuyên biệt và các nghề may, mộc, điện - điện tử, cơ khí, tin học... cho hàng chục nghìn học sinh.

Phần lớn học sinh khi ra trường đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, một số ngành nghề mà trường đào tạo đã không kịp đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ chất lượng đào tạo của Trường trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình đã được xã hội thừa nhận, đưa trường trở thành một địa chỉ có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao.

Có được kết quả trên, Trường trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình thường xuyên chú trọng xây dựng mối đoàn kết, nhất trí trong tập thể cấp ủy, ban giám hiệu và các khoa, phòng, tạo sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

 Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên quan tâm nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên theo hướng chính quy gắn với đổi mới nội dung, hình thức, phương thức đào tạo, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng tuyển sinh để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Với sự quan tâm của Bộ Lao động – TBXH, Tổng cục Dạy nghề, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Lao động – TBXH, nhà trường đang có điều kiện thuận lợi để cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ dạy và học, gắn lý thuyết với thực hành, khắc phục tình trạng “dạy chay, học chay”, do đó học sinh khi ra trường đều nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Những thành tích Trường trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình đạt được trong ba mươi năm qua thể hiện sự nỗ lực phấn đấu liên tục của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhà trường, qua đó góp phần xứng đáng vào thành tích chung của ngành Lao động – TBXH tỉnh nhà.

Thái Bình là tỉnh có số lượng người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em mồ côi lớn, đa phần điều kiện kinh tế khó khăn nên rất cần một nghề để tạo dựng cuộc sống. Thực tế đó đặt ra cho Sở Lao động - TBXH những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác dạy văn hóa, dạy nghề cho các đối tượng chuyên biệt, trong đó vai trò của Trường trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình là rất quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới, mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường cần nhận thức sâu sắc, xác định rõ và nêu cao ý thức trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao (dạy chữ, dạy nghề cho người khuyết tật, trường khó khăn được đầu tư của Bộ).

Nhà trường cần nghiêm túc thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của trên đối với công tác dạy văn hóa, dạy nghề cho các đối tượng chuyên biệt, đồng thời tích cực đổi mới công tác tuyển sinh, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Cùng với đó là đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các trường đại học, cao đẳng có uy tín trong cả nước, mở ra nhiều cơ hội học tập cho người lao động. Nhà trường cần đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, trong đó mạnh dạn đầu tư vào một số nghề mũi nhọn, nắm bắt và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác giảng dạy và thực hành nghề.

Tranh thủ tối đa mọi nguồn lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để nâng cấp thành trường cao đẳng nghề trong thời gian tới, phấn đấu xây dựng trường thành địa chỉ đào tạo chất lượng cao.

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhà trường cần làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục”, chấm dứt tình trạng “ngồi nhầm lớp”, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xây dựng môi trường văn hóa. Cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường cần thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, giáo viên theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực sự là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy với công việc, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

Tin tưởng rằng, với bề dày thành tích qua ba mươi năm xây dựng và trưởng thành, trong thời gian tới, Trường trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công mới, góp sức cùng Sở Lao động - TBXH hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đặng Khiêu

Tỉnh ủy viên, giám đốc sở Lao động - TBXH

 

  • Từ khóa