Thứ 4, 25/12/2024, 23:51[GMT+7]

Quốc hội thảo luận tại hội trường về các dự thảo Luật

Thứ 5, 26/10/2023 | 20:16:44
4,532 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu, sáng 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội trường.

Trước khi tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội nghe Tờ trình và thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước, đã có 28 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểuđánh giá cao dự thảo Luật đã tiếp thu tối đa các ý kiến, bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Theo các đại biểu, về cơ bản, các nội dung của dự thảo Luật sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý hoàn thiện và bao trùm các vấn đề quản lý nhà nước đối nguồn tài nguyên nước, bảo đảm tính minh bạch, tạo tiền đề cho việc khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên nước hiệu quả.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phát biểu vào một số nội dung cụ thể như đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung nội dung quy định về thời điểm lập hồ sơ khai thác, sử dụng tài nguyên nước so với thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý khác có liên quan. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung vào các điều khoản trong dự thảo Luật để thể hiện rõ nét hơn chủ trương kinh tế hóa việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bổ sung đầy đủ đánh giá tác động đối với các chính sách mới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta hiện nay; về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, cần bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo Luật. Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác thì cần có quy định phối hợp giữa các cơ quan cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo thẩm quyền; về việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong đó có vấn đề liên quan đến Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản…

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về một số nội dung như: về hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại; Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân; về nhà ở xã hội xây dựng bằng vốn đầu tư công; về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; về xây dựng nhà lưu trú công nhân; về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân;… 

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị làm rõ nội dung tại khoản 2 điều 16 quy định, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm thông báo các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở; về kinh phí bảo trì nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, tại khoản 2 Điều 152 quy định: Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính tại thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đóng kinh phí bảo trì là 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó tại thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng. Đại biểu cho rằng quy định như dự thảo chưa hợp lý do nhà chung cư có nhiều mức giá, thay đổi so với giá thị trường. Do đó, đề nghị điều chỉnh quy định theo hướng sử dụng giá bán căn hộ trung bình của chung cư để bảo đảm công bằng nguồn tài chính cho chủ đầu tư, tránh việc đội giá;…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)