Thứ 5, 07/11/2024, 18:23[GMT+7]

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 4, 01/11/2023 | 16:17:31
11,414 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Phát biểu về nội dung đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, trong 10 năm trở lại đây, số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế tăng nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều hạn chế và thách thức với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện nay. Cụ thể, số sinh viên quá đông, chi phí đào tạo thấp, cơ hội thực hành hạn chế, chương trình, phương pháp đào tạo chưa hiện đại, hệ thống kiểm định chất lượng chưa hình thành, đội ngũ giảng viên chưa bảo đảm, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên,…Đại biểu cho rằng, nguồn nhân lực y tế là thành phần cốt lõi, vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hậu kiểm, các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, kiên quyết dừng tuyển sinh đối với các trường không bảo đảm điều kiện. Quy định các trường đào tạo khối ngành sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn kiểm định chậm nhất vào năm 2026. Đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để tiến tới hội nhập, công nhận trình độ. 

Ngoài ra, cần quy định các điều kiện chuyên môn đặc thù của khối ngành sức khỏe trong tổ chức đào tạo; đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong suốt quá trình, từ khâu đầu vào đến quá trình đào tạo, đến khâu đầu ra. Cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế, bảo đảm chuẩn đầu ra trong giáo dục nhân lực y tế, từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo trong các trường đào tạo y tế; nghiên cứu thêm theo hướng các trường đủ điều kiện có thể tham gia đánh giá năng lực hoặc chọn mỗi khu vực một trường đầu tư nâng cấp để tham gia tổ chức đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, tạo điều kiện thuận lợi và giảm gánh nặng cho Hội đồng Y khoa quốc gia; hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực y tế với các giải pháp chiến lược, khả thi, lâu dài và mang tính bền vững. Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu nhân lực y tế, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển nhân lực y tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tham gia phát biểu, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng cho rằng, nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, việc các trường mở rộng ngành đào tạo, đặc biệt ngành đào tạo sức khỏe là cần thiết vì sẽ bổ sung một lượng lớn nhân sự, phục vụ trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên nếu không chặt ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, giám sát thì chất lượng đầu ra sẽ có sự khác biệt về năng lực của bác sĩ và sẽ là sự không công bằng với sức khỏe của nhân dân. Do đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục cần hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn, theo đó, phải tính các cơ cấu vốn và đầu tư phù hợp cho các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, có ấn định đúng mức, thỏa đáng đối với những lĩnh vực này.

Đại biểu cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định việc kiểm tra, đánh giá năng lực phục vụ cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo thông lệ quốc tế do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức, vì vậy đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ nguồn lực để Hội đồng sớm triển khai các hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan khi triển khai đánh giá năng lực cán bộ y tế chính thức được thực hiện. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sĩ y khoa; cần có chính sách phân bổ ngân sách cho các bệnh viện đủ điều kiện là cơ sở thực hành lâm sàng theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ thực hành cho các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)