Thứ 2, 13/05/2024, 07:52[GMT+7]

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ 6, 03/11/2023 | 16:33:32
11,702 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Phát biểu điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Việc sửa đổi luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân. Quy định của luật ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Qua 2 kỳ họp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực, dự thảo luật từng bước được hoàn thiện, nhiều nội dung quan trọng đã được thể chế hóa, tuy nhiên, còn nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có điều kiện rà soát kỹ các nội dung cần có điều kiện chuyển tiếp, việc rà soát, hoàn thiện cần có thời gian, thận trọng và kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội thẳng thắn, trách nhiệm nêu ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, đánh giá chất lượng dự án luật và bày tỏ chính kiến của mình; tập trung cho ý kiến vào các vấn đề trọng tâm trong báo cáo, đặc biệt là các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, các nội dung dự thảo luật đang thiết kế theo 2 phương án.

Phát biểu thảo luận về quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa được quy định tại khoản 7, Điều 45 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị lựa chọn phương án 3 là: Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177 của luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định; đại biểu cho rằng Phương án này sẽ dung hòa được cả 2 yếu tố, vừa bảo đảm công tác kiểm soát để tránh việc lợi dụng chính sách đầu cơ đất nông nghiệp, một mặt vẫn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chủ trương tại Nghị quyết 18 Ban Chấp hành Trung ương. Về quy định tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu đề nghị bỏ điều kiện có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận và đề nghị sửa thành “phải có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật về đầu tư”; quy định rõ thủ tục này được thực hiện đồng thời với thủ tục phê duyệt chủ trương dự án đầu tư;…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia góp ý vào điểm c khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước để thực hiện dự án đầu tư và nhà nước phải thu hồi đất để cho thuê, nhưng một số dự án có mục tiêu hoạt động không thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội như quy định tại Điều 62 Luật Đất đai hiện hành và Điều 79 dự thảo luật. Do vậy, chính quyền địa phương không có cơ sở thu hồi đất để giao cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuê; đồng thời tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng không được trực tiếp thỏa thuận bồi thường với người dân để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, dẫn đến dự án bị bế tắc, cũng như tạo sự không thống nhất trong chính sách và thực thi pháp luật. Vì vậy, đề nghị chọn phương án 2 là: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Ngoài ra, cần sửa đổi phạm vi dự án không chỉ của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, mà cả của UBND cấp tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư. Tại khoản 2 Điều 24 của dự thảo luật, đại biểu không chọn phương án nào, mà đề xuất phương án loại trừ quyền bán quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê, nhưng được quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất trên đất thuê là tài sản do đơn vị sự nghiệp công lập tạo lập và được quyền cho thuê, quyền thuê trong trường hợp dự án có sử dụng đất, góp phần và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày