Thứ 7, 23/11/2024, 09:04[GMT+7]

Kỳ họp thứ 6: Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ 3, 07/11/2023 | 16:12:30
12,584 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 7/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tranh luận.

Đầu giờ buổi sáng, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành gồm: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường. Chủ tịch Quốc hội cho biết trong phiên chất vấn đối với lĩnh vực kinh tế ngành đã có 87 đại biểu đăng ký chất vấn, có 41 đại biểu đã được chất vấn và tranh luận, trong đó có 29 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn.

Tiếp đó, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

Tham gia tranh luận với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, việc thực hiện tự chủ giúp cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và nâng cao thu nhập cho viên chức trong các đơn vị này. Tuy nhiên, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đang tự chủ hiện nay, trong đó có đơn vị sự nghiệp trong ngành giáo dục. Đại biểu lấy ví dụ về quy định tăng lương từ 1/7/2023 nhưng 3 năm nay chưa tăng học phí, gây khó khăn cho đơn vị tự chủ, cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bỏ việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, việc giảm viên chức hưởng lương trong các đơn vị sự nghiệp công lập bằng cách đẩy mạnh tự chủ trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, đại biểu cho rằng chưa phù hợp, do vậy cần có giải pháp tháo gỡ cho tình trạng này.

Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thể hiện sự đồng tình là cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế để bảo đảm được hành lang pháp lý, thúc đẩy tự chủ, riêng đối với tự chủ giáo dục, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để sửa đổi Luật Giáo dục đại học; sửa đổi Nghị định 81 làm cơ sở tính phí cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục, đặc biệt đó là giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để thực hiện được vấn đề tự chủ. Bộ trưởng cho biết, hiện tại Chính phủ cũng đang tập trung để chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi một số các nghị định có liên quan, trong đó có Nghị định 81 để bảo đảm sớm có định mức cho thu học phí đối với các cấp cho năm học 2023-2024. Đồng thời, cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo để phê duyệt đề án tự chủ của các đơn vị sự nghiệp theo quyết định tại Nghị định 120 của Chính phủ để bao quát được 4 phương diện về nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy, về nhân sự, về tài chính để các đơn vị sự nghiệp có thể thực hiện tự chủ được.

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

 Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)