Thứ 6, 27/12/2024, 08:13[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thứ 2, 20/11/2023 | 16:19:35
4,381 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5 %. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đánh giá, việc Quốc hội quyết định thảo luận hội trường tại Kỳ họp thứ 5 và kỳ họp lần này đối với nội dung kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5 là hoạt động đổi mới của Quốc hội khóa XV, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Cử tri mong muốn đây sẽ là hoạt động thường xuyên tại các kỳ họp Quốc hội và sẽ được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa trên các kênh truyền thông như các phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn.

Tham gia một số nội dung mà qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri rất quan tâm, đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ về những nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được giải quyết; trong đó những kiến nghị về việc hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là kiến nghị về chính sách hỗ trợ cho người và các cơ sở chăn nuôi có lợn bị buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi từ năm 2021 đến nay. Đại biểu cho biết, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri đã nêu nhiều lần và rất mong mỏi sớm có chính sách hỗ trợ cho người và các cơ sở chăn nuôi từ năm 2021 đến nay, nhất là khi hiện nay dịch tả lợn châu Phi lại đang có nguy cơ bùng phát và việc hỗ trợ thiệt hại cần được thực hiện kịp thời. Do vậy, đại biểu tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, góp phần giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy phản ánh thực thực trạng thời gian gần đây, tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Mặt khác, thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay thì dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Đại biểu cho rằng, điều đó là chính đáng, bởi nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng. Đại biểu cho rằng cán cân cung - cầu trong giáo dục là cơ hội cho giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến. Việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án. Tuy nhiên, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo? Để những người thầy chân chính có cơ hội cải thiện thu nhập, học sinh có nguyện vọng chính đáng bổ trợ và nâng cao năng lực được hỗ trợ điều kiện tiếp cận chất lượng giáo dục uy tín. Và những lớp học thêm tai tiếng vì "găm bài", vì gợi mở đề kiểm tra phải bị xử lý một cách nghiêm khắc và quyết liệt.

Đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng và khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Bên cạnh đó, cần quan tâm siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử và cởi trói bớt áp lực học hành. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường vào dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)