Thứ 7, 23/11/2024, 05:47[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng năm 2023

Thứ 3, 21/11/2023 | 17:04:37
8,190 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 21/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo chương trình trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường, Quốc hội nghe báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023; báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023; báo cáo về công tác thi hành án năm 2023; báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng và báo cáo thẩm tra các báo cáo trên.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các báo cáo trình Quốc hội là những báo cáo thường kỳ, được trình bày vào kỳ họp cuối năm. Báo cáo được tổng hợp kết quả, số liệu từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nhiều lần thảo luận về các vấn đề có liên quan đến 5 nội dung trong các báo cáo vừa nêu, như tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan cũng đã phát biểu làm rõ thêm nhiều vấn đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung đánh giá các vấn đề trọng tâm như trong báo cáo thẩm tra đầy đủ do Ủy ban Tư pháp đã trình với Quốc hội; đánh giá thảo luận về tình hình năm 2023 so với năm trước có những tiến bộ gì, những hạn chế gì, các tồn tại, nguyên nhân và gắn với bối cảnh cụ thể của năm 2023; cho ý kiến về những giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua và phương hướng trong thời gian tới…

Tham gia thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng tình với 5 báo cáo của các cơ quan và các báo cáo thẩm tra. Các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng, có đổi mới, bám sát tình hình thực tế, thể hiện kết quả đạt được trên tất cả các mặt công tác trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Điều đó phản ánh sự cố gắng, nỗ lực lớn của các ngành, các lực lượng, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Các đại biểu phát biểu đánh giá ghi nhận trong thời gian qua, Chính phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan pháp luật đã triển khai nhiều giải pháp vừa bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, vừa chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, tổ chức tấn công trấn áp tội phạm.

Bên cạnh ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các đại biểu cũng thể hiện những băn khoăn, lo lắng trước những hạn chế, sai sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp luật như: Vẫn còn tình trạng hủy bỏ các quyết định không có căn cứ của cơ quan điều tra nhằm hạn chế oan sai; hủy, không phê chuẩn quyết định tạm giữ; vẫn còn một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt… Đại biểu đề nghị những hạn chế, sai sót, vi phạm về nghiệp vụ cần sớm được khắc phục nhằm tránh các trường hợp bị khởi tố oan sai ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân hoặc bỏ sót tội phạm.

Các đại biểu kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ lưỡng, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay các vụ việc có số người vi phạm tăng, trong khi các vụ giảm không đáng kể. Đồng thời tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, cuộc sống bình yên của người dân, giảm thiểu tối đa các vụ án tăng bất thường; đề nghị cần có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa tình trạng lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền của người dân, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Tình hình sử dụng mạng xã hội và các phương tiện công nghệ để thực hiện lừa đảo cũng đang ngày một gia tăng; đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết và chủ động hơn trong việc đấu tranh với tội phạm…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)