Thứ 7, 23/11/2024, 05:05[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023

Thứ 4, 22/11/2023 | 15:10:41
10,198 lượt xem
Sáng 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên họp.

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều tán thành và đánh giá cho rằng, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023 đã phản ánh rõ nét về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của từng việc đối với từng đối tượng; các số liệu phản ánh được nêu khá cụ thể. Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật trên thực tiễn đã được phản ánh kịp thời, xem xét, giải quyết. Đặc biệt, nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện kiến nghị về hoàn thiện thể chế còn chậm, chưa rõ lộ trình thực hiện, như: việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương còn thiếu tính chủ động, chưa kịp thời lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương; việc thông báo kết quả tiếp nhận, thụ lý và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến chưa kịp thời; chất lượng văn bản trả lời, thông tin kết quả giải quyết còn thiếu tính thuyết phục; một số vụ việc chưa xác minh, làm rõ vào nội dung công dân tiếp khiếu, tiếp tố dẫn đến công dân tiếp tục bức xúc; một số vụ việc cụ thể đã có kiến nghị nhưng chậm được thực hiện, việc giải quyết còn để kéo dài, không nêu rõ lộ trình giải quyết…

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trên, các đại biểu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan; rà soát, thống kê lại các vướng mắc, bất cập, phân loại theo thẩm quyền giải quyết đúng quy định pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan thanh tra các cấp trong công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; chủ động nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra các vụ việc đông người phức tạp để chủ động đôn đốc phối hợp giải quyết…

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và đánh giá về sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, để hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung chính đề nghị sửa đổi như: về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án; về hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; về việc đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử;…

Trước đó, đầu phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 6, theo đó Quốc hội thống nhất điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)