Thứ 5, 07/11/2024, 20:29[GMT+7]

Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản – Lý luận và thực tiễn”

Thứ 5, 30/11/2023 | 09:40:20
15,749 lượt xem
Sáng ngày 30/11, tại Thái Bình, Báo Nhân dân, Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản – Lý luận và thực tiễn”.

Các đồng chí chủ trì hội thảo.

Video: 301123_-_HOI_THAO_CHUYEN_DOI_SO_S1.mp4?_t=1701349037

 

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội thảo cũng có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các đơn vị xuất bản trong cả nước.

Về phía tỉnh Thái Bình, hội thảo có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Toàn cảnh hội thảo. 

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Trong những năm qua, các cơ quan báo chí truyền thông luôn nỗ lực đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức, làm tốt vai trò cơ quan ngôn luận và lý luận chính trị của Đảng, diễn đàn của nhân dân. 

Đồng chí nhấn mạnh: Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả, việc chuyển đổi số báo chí, xuất bản là một nhiệm vụ cấp thiết đặt ra nhằm đổi mới phương thức truyền thông, phát hành, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”… Vì vậy, việc tổ chức hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn” nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý ngành báo chí, xuất bản; các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các đơn vị xuất bản cập nhật thêm những nội dung mới trong vấn đề lý luận chung về chuyển đổi số báo chí, xuất bản; phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Việt Nam thời gian tới. 

Đồng chí hy vọng và đề nghị từ hội thảo, các nhà quản lý báo chí, xuất bản sẽ lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí còn đang trong giai đoạn đầu phát triển báo chí hiện đại; lãnh đạo các cơ quan báo chí, đơn vị xuất bản sẽ có thêm được những kinh nghiệm để triển khai chuyển đổi số báo chí, xuất bản một cách phù hợp với năng lực, thực tiễn hoạt động và chiến lược phát triển của tòa soạn, trong khi đó các chuyên gia đào tạo báo chí, xuất bản sẽ chú trọng tới những kỹ năng mới, thực hành mô hình “đưa tòa soạn đến giảng đường”, gắn đào tạo với thực tiễn sinh động”.


Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chào mừng hội thảo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là một nội dung trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Đối với Thái Bình, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XX đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí đã thông tin khái quát về kết quả 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX và kết quả thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí khẳng định hội thảo khoa học quốc gia về “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn” là một hoạt động rất thiết thực, giúp cho Thái Bình và các địa phương có thêm các tham vấn của các chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình thực hiện chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, xuất bản nói riêng; gợi mở những tư duy mới về phương hướng, chiến lược phát triển cho báo chí Thái Bình và các cơ quan báo chí địa phương trên cả nước không ngừng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại, tiếp cận nhanh và để đưa các sản phẩm báo chí có chất lượng lên các hạ tầng, nền tảng số; từng bước tạo sự thay đổi về chất, nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện, tạo ra các sản phẩm báo chí ngày càng có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo chí, công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Thái Bình trong tình hình mới.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội thảo.


Các đại biểu dự hội thảo. 

PGS. TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật báo cáo đề dẫn tại hội thảo.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật nhận định: Chuyển đổi số báo chí, xuất bản ở Việt Nam hiện nay vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như nhận thức chưa đầy đủ và toàn diện về lợi ích, tầm quan trọng và cách thức chuyển đổi số; nguồn lực cho chuyển đổi số; vấn đề tự chủ về công nghệ; kỹ năng nghiệp vụ và khả năng áp dụng công nghệ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đội ngũ xuất bản trên môi trường số…

Đồng chí khẳng định xu thế chuyển đổi số hiện nay đang mở ra cả cơ hội và thách thức đối với các cơ quan báo chí, xuất bản. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận: phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của chuyển đổi số báo chí, xuất bản ở Việt Nam hiện nay; phân tích thực trạng chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí, xuất bản, cơ quan quản lý báo chí, xuất bản từ Trung ương đến địa phương hiện nay; đánh giá thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số báo chí, xuất bản trong thời gian qua; làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển đổi số báo chí, xuất bản cũng như các cơ hội, thách thức trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước thời gian tới; đưa ra các định hướng, đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, xuất bản toàn diện, bền vững trong thời gian tới.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại  hội thảo.

PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo. 

PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham luận tại hội thảo. 

Đại diện một số cơ quan báo Đảng phát biểu tham luận tại hội thảo.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 63 bài tham luận của các nhà khoa học từ các ban, bộ, ngành Trung ương đến các địa phương, các cơ quan báo chí, xuất bản trên cả nước, trong đó có 8 tham luận trực tiếp tại hội thảo. Các ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung phân tích, luận giải, làm rõ các nội dung khoa học xoay quanh chủ đề của hội thảo.

Đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tham luận tại hội thảo.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định: Tỉnh Thái Bình xác định 3 yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số là con người, thể chế và công nghệ. Các cơ quan báo chí của tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số. Đồng chí đã khái quát một số kết quả đạt được trong ứng dụng phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử"; kết quả chuyển đổi số Báo Thái Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình đạt được; đồng thời, chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số báo chí trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi số báo chí, đồng chí nhấn mạnh một số giải pháp cần thực hiện hiệu quả: nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số của tỉnh; tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch về chuyển đổi số của tỉnh; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả; ứng dụng nền tảng số cho các cơ quan báo chí...

PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tổng kết hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định những ý kiến tham luận, các bài viết của các nhà khoa học đã cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra đối với việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thời gian tới. Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra tại hội thảo là cơ sở để các cơ quan xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số báo chí, xuất bản nói riêng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Đại diện các cơ quan báo chí dự hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

Chuyển đổi số trong báo chí, xuất bản là vấn đề rất quan trọng, vấn đề sống còn của báo chí, xuất bản. Bởi nếu không chuyển đổi số nhanh chóng, báo chí, xuất bản sẽ không tiến kịp thời đại, không phục vụ kịp những nhu cầu đang phát triển rất nhanh của công chúng xã hội. Hơn nữa chuyển đổi số trong báo chí, xuất bản cũng là vấn đề sống còn để bắt kịp với nhịp đi chung của cả nhân loại. Chính vì vậy, tôi thấy hội thảo hôm nay rất quan trọng không chỉ với báo chí, xuất bản mà còn đặt ra cả vấn đề xã hội. Vì báo chí, xuất bản phục vụ xã hội, khi chuyển đổi số báo chí, xuất bản tốt sẽ phục vụ xã hội tốt, phục vụ xã hội tốt tức là thúc đẩy sự vận động và phát triển chung.

Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông

Với góc độ là nhà xuất bản, tôi nghĩ hội thảo khoa học trong lĩnh vực báo chí, xuất bản là dịp gợi mở cho các cơ quan báo chí trong công tác chuyển đổi số và gợi mở cho các nhà xuất bản, trong đó có Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông. Đây là một định hướng để tìm kiếm, lựa chọn nghiên cứu thêm, từ đó nâng cấp các giải pháp công nghệ của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời định hướng cho cán bộ công chức của chúng ta tìm các đề tài để phục vụ thiết thực cho kế hoạch chuyển đổi số mà Chính phủ đã đề ra.

 

Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình

Hội thảo khoa học báo chí, xuất bản có ý nghĩa quan trọng với các cơ quan báo chí Thái Bình. Đây là dịp để các cơ quan báo chí trong tỉnh được tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, nghe phân tích, làm rõ về sự cần thiết, lợi ích của chuyển đổi số báo chí, xuất bản thời gian qua, cũng như thách thức trong thời gian tới, từ đó đưa ra phương hướng, nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Thông qua những bài phát biểu, bài tham luận của các học giả, tôi thấy báo chí Thái Bình sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển đổi số, qua đó từng bước đưa báo chí Thái Bình thích ứng kịp thời với sự phát triển chung của báo chí hiện đại.



Tú Anh - Nguyễn Cường