Thứ 3, 21/01/2025, 17:39[GMT+7]

Ban Thường vụ Tỉnh ủy viếng Liệt sĩ và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 6, 26/07/2013 | 21:08:56
1,175 lượt xem
Kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2013), Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức lễ viếng liệt sĩ và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và Thành phố Thái Bình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố. Ảnh: Thành Tâm

Tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Thái Bình, các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Thành phố Thái Bình đã thành kính dâng hương bày tỏ lòng biết ơn trước anh linh các anh hùng liệt sĩ.

Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Bác Hồ (xã Tân Hòa, Vũ Thư), Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn đại biểu Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Vũ Thư đã cùng nhau ôn lại những năm tháng kháng chiến trường kỳ; cùng tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc.

Qua hai cuộc kháng chiến, toàn tỉnh có trên 51.000 liệt sĩ, trên 32.000 thương binh, gần 30.000 người là nạn nhân chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gần 6.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày;  trên 2.200 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 66 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình thường xuyên thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào sâu rộng, được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân, hưởng ứng tích cực, góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền chăm sóc đời sống người có công, làm vơi đi nỗi đau hậu chiến.

Hà Dung

  • Từ khóa