Thứ 6, 08/11/2024, 02:25[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về một số dự án luật trình Kỳ họp

Thứ 6, 24/05/2024 | 16:58:39
16,566 lượt xem
Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự phiên họp tại tổ.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp này đã được Chính phủ có văn bản hoàn toàn nhất trí với những nội dung đã tiếp thu, giải trình. Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa và giải trình cụ thể thể hiện trong báo cáo đầy đủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu thảo luận, cho thêm ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật bao gồm: Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; lưu trữ tài liệu điện tử; hoạt động dịch vụ lưu trữ; bổ sung quy định về ngày Lưu trữ Việt Nam; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội khẳng định lưu trữ là việc làm quan trọng, không chỉ cho hiện tại mà cả trong tương lai các thế hệ con cháu. Thực tiễn cho thấy nhờ công tác lưu trữ mà nhiều tài liệu quý giá từ các triều đại phong kiến đến nay đã mang lại những giá trị to lớn cả về mặt văn hóa và lịch sử, giúp chứng minh nhiều vấn đề.

Trong đó, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định bổ sung một số nội dung mới như thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ trong các trường hợp cơ quan, tổ chức, tổ chức lại, giải thể, phá sản, quản lý tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lưu trữ điện tử.

Các nội dung của dự án Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan và Việt Nam là thành viên. Để bảo đảm tính thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các luật liên quan như Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công nghệ thông tin… các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát bổ sung nội dung về sử dụng thông tin cho phù hợp với thực tiễn để áp dụng luật; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại tổ 10 gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Tiền Giang và Bạc Liêu. Đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp.

Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tán thành với các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Các đại biểu cũng nhất trí việc sửa đổi luật này để tăng cường công tác quản lý; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các đại biểu cũng nhất trí với việc sửa đổi Luật để bổ sung các quy định, các biện pháp cảnh vệ, góp phần hoàn thiện Luật Cảnh vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Để bảo đảm rõ ràng, dễ theo dõi, dễ thực hiện, các đại biểu cũng đề nghị thiết kế các điều, khoản riêng quy định về các biện pháp cảnh vệ, bao gồm các nội dung bổ sung ở phần giải thích từ ngữ và các biện pháp cảnh vệ khác đã được nêu trong Luật; quy định biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với từng đối tượng cảnh vệ đang được thiết kế theo các quy định tại dự thảo…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)