Chủ nhật, 17/11/2024, 19:20[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về các dự thảo luật trình Kỳ họp

Thứ 3, 28/05/2024 | 16:45:50
11,329 lượt xem
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5 tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Tại phiên họp, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tiếp thu giải trình, nghiên cứu hoàn thiện dự án luật, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội, các cơ quan hữu quan, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung vào một số vấn đề lớn như: nguyên tắc áp dụng pháp luật; các quy định về tổ chức chính quyền đô thị; xây dựng, phát triển, quản lý bảo vệ thủ đô; tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực để phát triển thủ đô và các vấn đề khác đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận để làm rõ hơn căn cứ, bảo đảm tính khả thi và tính tương thích giữa Luật Thủ đô (sửa đổi) với các luật khác có liên quan, đại biểu góp ý vào điểm a, khoản 5, Điều 18 về nội dung liên quan đến các cơ quan, cơ sở, đơn vị phải di dời, quỹ đất còn lại để sử dụng với mục đích là xây dựng không gian công cộng, văn hóa… Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa đủ, đề nghị bổ sung thêm mục tiêu nhằm phát huy giá trị văn hóa và du lịch và quỹ đất không sử dụng chức năng để ở. Quy định như vậy sẽ rõ ràng, đầy đủ và khả thi; liên quan đến điểm b, khoản 2, Điều 24 quy định về việc cho phép thực hiện hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với đất ở khu công nghệ cao, đại biểu đề nghị cần bổ sung thẩm quyền ai sẽ quyết định danh mục dự án này để tổ chức đấu thầu. Đồng thời đề nghị rà soát khoản 2 để bảo đảm tính tương thích với Luật Đất đai; vì theo tinh thần của Luật Đất đai tiếp cận theo nguyên tắc, ngoài trường hợp đấu thầu thì sẽ thực hiện đấu giá, do đó cần thể hiện rõ tinh thần này của Luật Đất đai vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); liên quan đến điểm c, khoản 2, Điều 24, hiện dự thảo đang sử dụng cụm từ “chuyển đổi mục tiêu”, đại biểu cho rằng như vậy chưa đủ rõ ràng và dễ gây tranh cãi, đề nghị sử dụng cụm từ thay thế là “chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ mục tiêu dự án” để bảo đảm khả thi, rõ ràng và nhất quán thông tin.

Trước đó tại phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Nhấn mạnh đây là dự án luật lớn, có nhiều chính sách mới, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, nhiều nội dung mới có tính chất đột phá, nhiều nội dung tiệm cận với quốc tế, tháo gỡ một số vướng mắc thực tiễn, phù hợp với Hiến pháp 2023 và thể chế hóa quan điểm, chủ trương theo các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với trọng tâm là đổi mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Các đại biểu đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật như quy định Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp; thẩm quyền thành lập và giải thể các tòa án nhân dân; về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa; đổi mới Tòa án nhân dân theo thẩm quyển xét xử; bảo vệ Tòa án; nhiệm kỳ của thẩm phán;...và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có 39 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, trong đó có 9 lượt ý kiến tranh luận. Không khí thảo luận rất dân chủ, sôi nổi, các đại biểu phát biểu rất cụ thể, chi tiết, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc, trí tuệ, trách nhiệm cao. Các ý kiến phát biểu cơ bản đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của các dự thảo luật. Đồng thời cho rằng, các tài liệu đã được chuẩn bị kỹ, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)