Thứ 6, 08/11/2024, 04:18[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Thứ 4, 29/05/2024 | 17:19:20
17,006 lượt xem
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thể hiện sự thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Theo đại biểu, một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang chuyển mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và có những đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng. Quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, cùng với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng hạ tầng cơ sở, đời sống văn hóa vùng nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực; văn hóa truyền thống tiếp tục được khai thác theo hướng phát huy giá trị tốt đẹp gắn với nhu cầu văn hóa của người dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu, nhìn vào bức tranh toàn cảnh về văn hóa vùng nông thôn hiện nay vẫn còn những mảng màu tối, để lại không ít những băn khoăn. Đâu đó vẫn còn những biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa. Tình trạng coi nhẹ văn hóa, đặt văn hóa thấp hơn kinh tế. Hệ quả là trong khi đạt nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đời sống vượt trội so với trước đây nhưng ở một số nơi, trong một số trường hợp, đạo đức, văn hóa xã hội lại có biểu hiện xuống cấp, chủ nghĩa cá nhân có cơ hội phát triển. Lối sống thực dụng cực đoan như một thứ dịch bệnh có nguy cơ lan rộng trong xã hội, nhất là lớp trẻ.

Chỉ rõ những biến đổi của văn hóa nông thôn về sự thay đổi diện mạo không gian, cảnh quan làng xã, nhiều không gian thuộc về di sản, di tích lịch sử văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng bị thu hẹp; những luồng tư tưởng xấu độc đã và đang tác động, chi phối đến lối sống của người dân khu vực nông thôn… đại biểu cho rằng những hình ảnh ấy khiến cho bức tranh làng quê giảm đi phần tươi sáng.

Để góp phần tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung, hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nói riêng; cụ thể hóa quan điểm: Xây dựng nông thôn có “đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc”, đại biểu kiến nghị Quốc hội giao cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các dự án luật trực tiếp liên quan đến văn hóa cũng như các dự án luật chuyên ngành khác có liên quan. Đối với phát triển văn hóa, đại biểu cho rằng những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa; nhiều di sản, di tích văn hóa, lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng; đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn rà soát để quy định cụ thể hơn nữa; chuẩn hóa rõ hơn về nông thôn mới, nhất là các tiêu chí liên quan đến văn hóa theo hướng hài hòa giữa những yêu cầu của thực tế đời sống với bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình quan tâm về vấn đề bền vững lao động và dân số, đại biểu cho biết, tình trạng chênh lệch về chỉ số tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng ở nước ta chưa được cải thiện nhiều. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới; số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt 65 năm, như vậy người dân Việt Nam có gần 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật. Tất cả điều này tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ chăm sóc y tế nhưng chưa có giải pháp hiệu quả ứng phó.

Đưa ra các giải pháp hiệu quả để làm chậm quá trình già hóa dân số, đại biểu cho rằng cần khuyến khích tỷ lệ sinh bằng cách tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản; hỗ trợ chăm sóc trẻ em; giảm thiểu phân biệt đối xử về giới… Đồng thời, cải thiện hệ thống y tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, đào tạo nhân lực y tế và phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân ở mọi lứa tuổi… Bên cạnh đó, phải bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số; đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số. Ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ dân số.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sỹ y khoa, trên cơ sở hỗ trợ học phí với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước. Như vậy vừa bảo đảm nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đạt được nguyện vọng trở thành bác sỹ, đồng thời giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sĩ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết hệ thống giáo dục nghề nghiệp với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò nòng cốt, có tính chất đột phá quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao.

Đại biểu đề nghị Quốc hội xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó quy định đầy đủ các nội dung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ mới. Đồng thời đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển đội ngũ và triển khai các bộ công cụ, chỉ số đo lường, đánh giá chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp phục vụ thống kê, dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; bố trí và sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)