Chủ nhật, 22/12/2024, 00:11[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về các luật, nghị quyết trình Quốc hội

Thứ 5, 30/05/2024 | 15:37:38
13,278 lượt xem
Sáng 30/5, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; các đại biểu cho rằng những dự án, pháp lệnh được bổ sung đều là cần thiết, quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với đời sống cử tri và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu tờ trình đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các năm trước đây, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, một hạn chế được đề cập nhiều lần là tính "gối đầu" của chương trình cho năm tiếp theo rất thấp, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định chương trình xây dựng pháp luật còn lớn.

Đại biểu cho rằng, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành; song hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh, tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật; một số quy định có tính khả thi không cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa hướng dẫn thi hành. Trong khi đó tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chậm so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết là điều cần phải được hết sức quan tâm.

Từ những hạn chế nêu trên, đại biểu kiến nghị Quốc hội, các cơ quan quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn, lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn, đồng thời có giải pháp quyết liệt để sớm đưa các dự án còn lại trong kế hoạch vào chương trình của năm 2025, đặc biệt là cần khẩn trương rà soát để đề xuất bổ sung các dự án luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào chương trình tại Kỳ họp thứ 10; tăng cường chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền; văn bản quy phạm pháp luật phải quy định chi tiết các nội dung còn nợ và xử lý dứt điểm văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; có giải pháp để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản và cần phải có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để khắc phục những bất cập, hạn chế và góp phần nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Với yêu cầu đặt ra là phải nghiêm túc quán triệt các quan điểm, định hướng trong công tác lập pháp, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không bổ sung dự án và chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết do yêu cầu của thực tiễn hoặc để thực hiện yêu cầu trong nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng mới được ban hành chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và cũng không xem xét đối với các dự án không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng theo quy định. Tránh tình trạng văn bản quy phạm pháp luật vừa ra đời đã gặp phải sự phản đối của người dân và doanh nghiệp hay tình trạng chưa kịp thực thi đã phải sửa đổi, bởi nếu tiếp tục thực hiện sẽ là rào cản cho sự phát triển xã hội, gây tốn kém thời gian, công sức, tiền của, thậm chí đẩy người dân và doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến thiết thực, phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả tồn tại, hạn chế nguyên nhân trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật thời gian tới. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp tục khẩn trương quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác xây dựng pháp luật bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe trình bày các báo cáo và thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)