Chủ nhật, 23/06/2024, 15:46[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Thứ 5, 20/06/2024 | 15:28:28
3,804 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 20/6 tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao và cho rằng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065 được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, coi đây là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị cần phải có tổng kết việc thực hiện quy hoạch từ năm 2011 đến nay để làm cơ sở đề ra quy hoạch cho những năm tiếp theo; đồng thời cần làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để đề ra các mốc thời gian thực hiện quy hoạch. Đề nghị phải xác định các mục tiêu đạt được của quy hoạch hết sức cụ thể và phù hợp để có các giải pháp, lộ trình thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. Đối với nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch về áp dụng mô hình Thành phố trong Thủ đô, đại biểu nghiên cứu cân nhắc theo hướng Thủ đô trong Thành phố Hà Nội. Có như vậy thì cả nước có điều kiện cơ sở pháp lý, tạo ra các ưu thế để tập trung nguồn lực để phát triển Thủ đô…

Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Buổi chiều, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Sau đó, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho biết dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn gồm 6 chương, 65 điều được thiết kế trên cơ sở hợp nhất và bổ sung các quy định hiện hành của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Luật điều chỉnh về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn. Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật đó là về phạm vi điều chỉnh của luật; về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; các trường hợp liên quan đến phạm vi ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn; nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương; về quy hoạch chung huyện; về rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch...

Đối với dự án Luật Địa chất và khoáng sản, các đại biểu thảo luận nhất trí với sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; đặc biệt là việc sớm ban hành Luật Địa chất và khoáng sản sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục khai thác khoáng sản nhằm kịp thời cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm quốc gia.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày