Thứ 4, 25/12/2024, 08:38[GMT+7]

Xã luận Thắp mãi ngọn lửa tri ân

Thứ 7, 27/07/2024 | 06:03:16
26,133 lượt xem
Hôm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), xúc động tưởng nhớ, tri ân những người con anh dũng đã không tiếc tính mạng, máu xương vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân.

Nghĩa trang liệt sĩ khu vực xã Vũ Lăng (Tiền Hải) khang trang, sạch đẹp.

Trải qua các cuộc đấu tranh bảo vệ và thống nhất đất nước, cả nước đã xác nhận 9 triệu người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ; gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; hơn 117.000 mẹ Việt Nam anh hùng; gần 600.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh... Những con số ấy biểu hiện cho tinh thần yêu nước nồng nàn, cho tinh thần quật cường của nhân dân ta. Các thế hệ cha ông “khoét núi ngủ hầm”, “xẻ dọc Trường Sơn” đã bền gan, vững chí trường chinh đánh đuổi thực dân, đế quốc, nuôi khát vọng cháy bỏng đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông đã mang lại thắng lợi vẻ vang. Đất nước giành được độc lập, tự do, nhân dân được hưởng hòa bình, cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đất nước có được cơ đồ như ngày nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Hiện Nhà nước đang thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công lan tỏa rộng khắp trong đời sống người dân Việt Nam. 77 năm qua, ngày Thương binh - Liệt sĩ trở thành ngày lễ trọng đại để các tầng lớp nhân dân dành tất cả tình cảm, sự tôn vinh, tri ân và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng thời qua đó tiếp tục phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp thêm những giá trị nhân ái trong mỗi người dân Việt Nam.

Với hơn 50 vạn người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, Thái Bình có hơn 52.000 liệt sĩ; gần 30.000 thương binh; hơn 16.000 bệnh binh..., là địa phương đóng góp lớn sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến, đồng thời cũng là một trong những tỉnh có số lượng người có công cao nhất cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có gần 60.000 người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; gần 99% gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên so với mặt bằng dân cư địa phương. Song bên cạnh đó vẫn còn đau đáu nỗi chờ mong đón nhận hài cốt liệt sĩ về quê nhà; việc giải quyết hồ sơ của người hoạt động kháng chiến còn tồn đọng đòi hỏi các cấp, các ngành cần chung tay giải quyết nhằm tiếp tục hàn gắn, xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh.

Hôm nay, tại khắp nơi trên địa bàn tỉnh và cả nước đều tổ chức các hoạt động bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người và gia đình có công với cách mạng. Trong niềm thành kính thiêng liêng, chúng ta càng khắc ghi lời dạy của Bác: “Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do... Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Không chỉ dừng lại ở một ngày lễ hay đợt kỷ niệm, lòng biết ơn cần tiếp tục biến thành việc làm thường xuyên trong mỗi tổ chức, cá nhân để giúp người và gia đình có công với cách mạng vơi bớt khó khăn, có cuộc sống đầy đủ, ấm áp hơn.

Ghi nhớ công ơn những người con đã anh dũng hy sinh vì đất nước, vì nhân dân, thắp mãi trong tim ngọn lửa tri ân, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện tiếp tục đoàn kết, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức thi đua học tập, tu dưỡng, rèn luyện, lao động, công tác để bảo vệ và xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong.

Thái Bình