Thứ 7, 28/09/2024, 18:12[GMT+7]

Chính phủ đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3

Thứ 7, 28/09/2024 | 14:41:22
500 lượt xem
Sáng ngày 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Hội nghị được truyền trực tuyến đến 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch các tập đoàn kinh tế nhà nước, Ngân hàng Thương mại Nhà nước; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đến ngày 27/9, đã có 344 người chết và mất tích; hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị hư hỏng, ngập úng; hơn 11.800 lồng bè thuỷ sản bị hư hỏng cuốn trôi; hơn 44.000 con gia súc, hơn 5,6 triệu con gia cầm bị chết; gần 800 sự cố về đê điều… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.

Đối với Thái Bình, bão số 3 không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản. Trong đó, trên 60.000ha lúa và 3.200ha hoa màu bị thiệt hại. Ngoài ra còn thiệt hại nặng nề về nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả, gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại gần 1.480 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng để chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân đồng loạt triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng bị thiên tai.

Hiện nay, cơ bản các nhà máy, hệ thống điện, viễn thông, giao thông, thủy lợi, trường học, y tế,… bị hư hại đã cơ bản được khắc phục; người dân bị bão lũ gây thiệt hại đã ổn định chỗ ở, bắt tay vào sản xuất.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. 

Video: 270924_-_HOP_TRUC_TUYEN_CHINH_PHU.mp4?_t=1727520078

 

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Bão số 3 là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều giờ khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai của các bộ, ngành, địa phương và những đề xuất, kiến nghị rất sát với thực tế tại các địa phương. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ứng phó với thiên tai, mưa bão; đồng thời nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm, đó là: Công tác cảnh báo, dự báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm, từ xa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình thực tế, quyết liệt, quyết đoán, có trọng tâm, trọng điểm, tất cả vì lợi ích của nhân dân, đất nước; đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, Nhà nước lên trên hết, huy động mọi nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ” để phòng, chống, khắc phục hậu quả do mưa bão; các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, quyền hạn chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả; coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kỹ năng trong quá trình phòng, chống, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.

Từ những hạn chế, khó khăn được chỉ rõ và những bài học kinh nghiệm được rút ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp với mục tiêu không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; học sinh phải được đến trường, bệnh nhân được khám chữa bệnh chu đáo; nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát và thực hiện tốt nội dung Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong đó, Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát khắc phục hạ tầng giao thông,điện, nước, viễn thông; hoàn thiện thể chế, các nghị định, thông tư về hỗ trợ khắc phục do bão lũ gây ra; tiếp tục quan tâm hỗ trợ các gia đình bị mất nhà cửa phải xây dựng lại bảo đảm "3 cứng” (mái cứng, nền cứng, vách cứng) và nhiệm vụ này phải được hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024 .

Cùng với đó, các ngành, địa phương khắc phục ngay các cơ sở trường học, trạm xá, bệnh viện bị hư hỏng xong trong tháng 10/2024; rà soát thực hiện hiệu quả các chính sách đối với các đối tượng bị tác động. Sơ kết, đề xuất công tác thi đua, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 đồng thời cũng phải xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là hành vi lợi dụng thiên tai để trục lợi, nếu có.

Nguyễn Thơi - Trần Thắng