Thứ 6, 27/09/2024, 22:27[GMT+7]

Công tác trí thức với sự nghiệp CNH- HĐH đất nước.

Thứ 6, 17/09/2010 | 08:25:08
4,170 lượt xem
Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại,đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, mỗi địa phương trong chiến lược phát triển.

Công nhân công ty cổ phần dệt sợi Đam San vận hành dây chuyền sản xuất sợi.(Ảnh: Phi Thành)

Nước ta đang thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong lúc nền khoa học và công nghệ trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ và có những thành công kỳ diệu, tạo điều kiện thuận lợi để có thể rút ngắn giai đoạn tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Song, đó mới chỉ là những điều kiện khách quan vì chúng ta còn phải vượt qua bao thách thức trong việc chuyển hoá những nhân tố ngoại sinh thành sự phát triển nội sinh. Sự chuyển hoá này đòi hỏi Đảng ta, nhân dân ta phải có sự sáng tạo, năng động và quyết tâm vượt qua những thách thức đầy cam go.

 

Nhân tố có tầm quan trọng và có ý nghĩa quyết định đó là con người với vai trò là chủ thể về trí tuệ và văn hoá. Nhân tố đó là một nội lực cần được huy động và phát huy cao độ ở từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa phương.

 

Sau hơn hai năm tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều nghị quyết có liên quan đến việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, khai thác và phát triển tiềm năng trí tuệ và nguồn lực con người, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) cũng như kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI).

 

Trong đó, Đảng ta khẳng định: “Phát huy đầy đủ năng lực nội sinh của dân tộc, lấy phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ làm yếu tố cơ bản, coi đó là khâu đột phá”; đồng thời, Đảng ta cũng nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”.

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trí thức là vốn quý của dân tộc, là lực lượng tiêu biểu cho trình độ trí thức của toàn dân tộc. Chính vì vậy, Đảng ta đã có những chủ trương đúng đắn nên đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, gắn bó mật thiết với nhân dân, với sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Trải qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều quan tâm và có những chủ trương đúng đắn đối với đội ngũ trí thức. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng đã xác định rõ vị trí của đội ngũ trí thức trong khối liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức: “Trong cách mạng dân tộc, dân chủ, vai trò giới trí thức đã quan trọng, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, vai trò giới trí thức càng quan trọng.

 

Giai cấp công nhân nếu không có đội ngũ trí thức của mình và nếu bản thân Công - Nông không được nâng cao kiến thức, không dần dần được trí thức hoá thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội”.

 

Bước sang thế kỷ 21, kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức - xã hội, trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt, yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, đơn vị.

 

Nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày 6/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khoá X), Đảng ta ra Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư về: “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, nghị quyết đã khẳng định: “Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ của xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng lòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức”. 

 

 Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại,đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, mỗi địa phương trong chiến lược phát triển.

 

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, ngày 16/10/2008 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình đã ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X). Chương trình hành động đã nhấn mạnh: “Trí thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, và của tỉnh. Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm của hệ thống chính trị, trước hết là cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ”.

 

Xuất phát từ yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và của tỉnh trong quá trình hội nhập với thế giới và xu thế toàn cầu hoá, của thời đại phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, của kinh tế tri thức, tỉnh ta không có sự lựa chọn nào khác là phải tập trung mọi nỗ lực cho việc xây dựng đội ngũ trí thức, phát huy được nguồn lực là tinh hoa của đội ngũ đó, phải đủ tầm và đủ mạnh trong thời đại cách mạng thông tin hiện nay; phải tiếp cận nhanh chóng với tri thức và công nghệ mới của thời đại để từng bước hiện đại hoá nền kinh tế, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hình thành nền kinh tế tri thức.

 

Chúng ta cần rà soát, hoàn thiện những chính sách đã có, đồng thời phải bổ sung những chính sách mới đối với đội ngũ trí thức, xây dựng chiến lược nhân tài nhằm phát huy tốt nhất nguồn lực trí tuệ của con người Thái Bình, một nguồn lực đang có nhưng còn thiếu một cơ chế thích hợp và hoàn chỉnh để cho nhân tài cống hiến được nhiều nhất cho quê hương, đất nước.

 

Phát huy nguồn lực nội sinh là phát huy yếu tố con người Thái Bình, phát huy trí tuệ con người Thái Bình để thật sự nhân lên nguồn lực nội sinh ấy cho sự phát triển. Đây không thể là quá trình phát triển tự nhiên mà phải bắt đầu bằng những chính sách đầu tư đúng đắn, bằng dũng khí của người lãnh đạo biết cách và tiến cử, cất nhắc, trọng dụng nhân tài.

 

Ths. NGUYỄN QUANG YÊN

(Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội KHKT Thái Bình)

  • Từ khóa