Thứ 7, 23/11/2024, 16:42[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Công chứng

Thứ 6, 25/10/2024 | 16:23:16
12,044 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 25/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự phiên họp.

Tại phiên thảo luận, đã có 22 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, các ý kiến thể hiện sự thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến cụ thể và xác đáng để hoàn thiện dự thảo Luật, như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; giải thích từ ngữ quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch chung xã, quy hoạch không gian ngầm; thời hạn và các thời kỳ quy hoạch; tính thống nhất, đồng bộ với các luật, trong đó có Luật Về tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô; mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung; xử lý các trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; quy định các trường hợp chuyển tiếp và nhiều ý kiến quan trọng khác vào các điều khoản cụ thể trong luật, như tổ chức lấy ý kiến cộng đồng, sử dụng các nguồn lực cho công tác quy hoạch…

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng và tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho biết dự thảo Luật có 79 điều; sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 5 điều; bổ sung 1 điều. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng, thực hiện nghiêm túc yêu cầu: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Đồng thời cũng kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng hiện hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về công chứng; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động công chứng phù hợp với tính chất là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện, góp phần bảo đảm sự an toàn trong các giao dịch dân sự, kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bền vững, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện. 

Ngoài ra, các đại biểu tham gia về một số nội dung cụ thể như: về quy định các loại giao dịch phải công chứng; về bảo đảm sự bình đẳng trong hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng; về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng; về xã hội hóa hoạt động công chứng; về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)