Thứ 2, 06/01/2025, 00:57[GMT+7]

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận về các dự án luật

Thứ 3, 29/10/2024 | 16:53:17
10,742 lượt xem
Sáng ngày 29/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi thảo luận.

Trong phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu, có 5 đại biểu tranh luận, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với các nội dung dự thảo Luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Các quy định mới được sửa đổi, bổ sung cơ bản giải quyết được các bất cập trong thực tiễn, phù hợp với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Đồng thời, các đại biểu cũng tham gia vào các nội dung cụ thể như việc đáp ứng các mục tiêu về cải cách hệ thống thuế hàng nông sản, thủy sản chỉ qua sơ chế thông thường không phải nộp thuế đầu ra nhưng được khấu trừ thuế đầu vào, mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, thuế suất 0% đối với nhóm hàng cung cấp cho nước ngoài; thuế đối với phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản; thuế đối với sản phẩm cung cấp trên nền tảng số; hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa đã nhập để xuất khẩu và lưu ý thêm các mặt hàng như nước sạch, các sản phẩm văn hóa; về người nộp thuế, đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, giá tính, thuế suất và phương pháp tính thuế, khấu trừ thuế và hoàn thuế…

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì buổi thảo luận. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang tham dự buổi thảo luận.

Tham gia thảo luận, các đại biểu thể hiện nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật. Các đại biểu đánh giá nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, đồng thời thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”… Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia vào các nội dung cụ thể về việc cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án; cho phép bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương; phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ; phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương, các khoản vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Tham gia vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 7 luật hiện hành, gồm: Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia, các đại biểu cho biết, dự thảo luật gồm 10 điều, sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán; sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị; sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập…

Nhất trí cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật thuộc dự án luật nhằm tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực này để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực Nhà nước, ngoài Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần có đánh giá tác động từng cơ chế, chính sách dự kiến sửa đổi, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang thực hiện thí điểm, chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cấp bách, bức xúc và có sự đồng thuận giữa các cơ quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh)