Thứ 3, 24/12/2024, 10:44[GMT+7]

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và các dự án luật

Thứ 3, 05/11/2024 | 16:19:28
9,836 lượt xem
Sáng ngày 5/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 -2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp.

Qua thảo luận, đã có 11 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, bảo đảm nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Các đại biểu thống nhất năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; trong nước cũng gặp khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách ước vượt 10,1% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2024. Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ kết quả thực hiện ngân sách, chính sách tài khóa năm 2025 đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, do đó các đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước; cải thiện công tác lập kế hoạch dự toán, nhất là dự toán thu; kịp thời phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tiêu cực. Đề nghị tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; có giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; kiểm soát chặt chẽ bội chi nợ công trong điều kiện phải tăng quy mô nợ để thực hiện các dự án công trình trọng điểm; tập trung các giải pháp quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước và chú ý các khoản thu từ đất và thương mại điện tử; điều hành chi ngân sách theo hướng bảo đảm dự toán chặt chẽ, hiệu quả; đặc biệt lưu ý công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu chi ngân sách. Đề nghị cần kịp thời phân bổ, giao vốn đầu tư công năm 2025 quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, không dàn trải; đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao hiệu quả và tăng cường giám sát hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách theo các nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. 

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)