Thứ 3, 07/01/2025, 15:00[GMT+7]

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Thứ 2, 25/11/2024 | 17:03:24
7,214 lượt xem
Chiều ngày 25/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng. Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.

Tham gia thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo; góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển, vì lợi ích chung của xã hội. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật được Chính phủ và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo đó, đã sửa đổi khái niệm về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo để phù hợp với thực tiễn hiện nay và bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng (trong đó có đối tượng là văn nghệ sĩ, người nổi tiếng…) theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, quy định về nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng; không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Dự án Luật đã sửa đổi các quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên truyền hình nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan báo chí thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng nội dung, bảo đảm sức cạnh tranh với các hình thức quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị tiếp tục sửa đổi các quy định theo hướng đẩy mạnh việc phân định thẩm quyền, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo cho chính quyền các cấp; cắt, giảm các thủ tục hành chính không còn phù hợp; giảm một số trường hợp phải xin giấy phép thay đổi bằng hình thức hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Đề nghị bổ sung các quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia quảng cáo trên mạng, cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm nhằm thực hiện các giải pháp quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng. Các đại biểu cũng tham gia góp ý hoàn thiện nhiều nội dung cụ thể liên quan tới giải thích từ ngữ; quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, quảng cáo trên báo chí, quảng cáo trên mạng...

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)