Thứ 3, 07/01/2025, 14:58[GMT+7]

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển

Chủ nhật, 01/12/2024 | 21:13:32
10,714 lượt xem
Sau 29,5 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với việc xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Cùng với đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và nhiều vấn đề quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cùng một số nội dung quan trọng khác.

Về công tác nhân sự và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng 

Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm; bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lương Cường; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm đúng quy trình, quy định, đạt được sự thống nhất rất cao của các đại biểu Quốc hội. 

Quốc hội đã xem xét, thảo luận và thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương; Nghị quyết kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Về công tác lập pháp 

Quốc hội đã thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm; những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn. Trong đó, có các luật, nghị quyết được doanh nghiệp, cử tri, nhân dân rất quan tâm như Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa 4 Luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa 9 Luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách... Đồng thời, Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. 

Về giám sát tối cao 

Quốc hội đã tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về các lĩnh vực: ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng với ý thức trách nhiệm cao đã tham gia giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tám là cơ sở để Quốc hội tiến hành giám sát lại việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp thứ mười. Quốc hội đã ban hành nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2024; xem xét, thảo luận về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV và báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024. 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tích cực thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề tại kỳ họp 

Tại kỳ họp, cùng với đại biểu Quốc hội trong cả nước, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tích cực thảo luận, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đã tham gia đóng góp 85 lượt ý kiến về các lĩnh vực, thảo luận về các dự án luật, chất vấn Chính phủ và các thành viên Chính phủ, trong đó có 26 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, 57 lượt ý kiến phát biểu tại tổ; 2 lượt đại biểu chất vấn trực tiếp với 4 vấn đề chất vấn thành viên Chính phủ. Nội dung các ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, đồng thời thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội, được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, thể hiện trong các luật, nghị quyết được thông qua như cơ chế, chính sách tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư công; cơ chế, chính sách trong thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, thuế, phí trong lĩnh vực y tế, trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; kiến nghị các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp... 

Bên cạnh việc tham gia tích cực vào các nội dung của kỳ họp, tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều buổi làm việc, gặp gỡ để trình bày, kiến nghị trực tiếp những khó khăn, vướng mắc với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.

VŨ SƠN TÙNG 

(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh)