Thứ 7, 15/02/2025, 13:22[GMT+7]

Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ chín: Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự thảo luật, nghị quyết

Thứ 6, 14/02/2025 | 16:59:29
1,457 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ chín, sáng 14/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Khăc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự án Luật công phu, nghiêm túc, chất lượng. Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật hiện hành, các đại biểu cho rằng, nội dung của dự thảo Luật lần này đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, phân định thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương; đồng thời tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tập trung góp ý vào một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật liên quan tới quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền; về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, các đại biểu nhấn mạnh, đây là điểm mới, tiến bộ và cần thiết so với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, cần rà soát, xác định rõ hơn về nội hàm các khái niệm; yêu cầu và cơ chế thực hiện phân quyền, quy định cụ thể về chủ thể phân cấp, ủy quyền, chủ thể được phân cấp, ủy quyền, các điều kiện để phân cấp, ủy quyền và cơ chế chịu trách nhiệm... nhằm tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu.

Thảo luận về Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, các đại biểu nhấn mạnh, nghị quyết này đã hoàn chỉnh, toàn diện, bao quát nhiều vấn đề trong bối cảnh chúng ta triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy rất nhanh và khẩn trương.

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)