Chủ nhật, 16/02/2025, 01:48[GMT+7]

Quốc hội xem xét, thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 7, 15/02/2025 | 17:19:49
1,095 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ chín, chiều 15/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ nhất trí với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Các đại biểu đánh giá đây là nhiệm chính trị hết sức quan trọng, chuẩn bị nền tảng bước vào kỷ nguyên cất cánh, vươn mình của dân tộc. Sau Đại hội XIV thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số, vì vậy, năm 2025 phải thực hiện mục tăng trưởng đạt 8% để tạo đà, tiền đề phát triển. Có khát vọng về đổi mới, phát triển và vươn mình thì việc điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như Chính phủ đề xuất để từ đó có các giải pháp cụ thể nhằm đạt được mục tiêu là hoàn toàn phù hợp. Các ý kiến thảo luận đã đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh thế giới và đề nghị cần phải dự báo trước tình hình, nhận diện rõ tình hình và có giải pháp ứng phó kịp thời trước những biến động. Ngoài ra, phải có chiến lược ngoại giao hết sức linh hoạt; theo đúng chủ trương và đường lối của Đảng; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc;... Mục tiêu chung là thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng; tăng cả tổng cung và tổng cầu tuy nhiên đề nghị phải bảo đảm 3 mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh - đây được coi là xương sống của mọi thời đại, mọi quốc gia.

Các đại biểu đề nghị cần tháo gỡ vướng mắc, tập trung vào những dự án đang hoạt động, triển khai từ những năm trước; đồng thời, các chính sách triển khai phải được tiến hành đồng bộ, vừa đẩy nhanh, phát huy được những công việc đang thực hiện, công việc mới; vừa tăng đầu tư, tăng tiêu dùng, tăng xuất khẩu, huy động nguồn vốn trong nhân dân và phải có phương án dự phòng rủi ro, chấp nhận rủi ro và vượt lên rủi ro,..

 Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề xuất, nghiên cứu, bổ sung các chính sách cụ thể về tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm thực chất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp; có giải pháp đột phá về khởi nghiệp, tạo việc làm bền vững, việc làm chính thức; làm rõ quy trình, thủ tục đầu tư và cơ chế xử lý khi có vướng mắc,... Bên cạnh đó, đề nghị có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công; bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm. Có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, giải quyết các tồn tại trong giải ngân đầu tư công. Đồng thời, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm hiệu quả việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; không để xảy ra gián đoạn công việc hoặc làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chú ý vấn đề tăng năng suất lao động, chính sách an sinh xã hội…

Trước đó vào đầu giờ phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi). Sau đó, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)