Thứ 2, 07/04/2025, 16:53[GMT+7]

Kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên

Chủ nhật, 06/04/2025 | 17:01:59
2,612 lượt xem
Sáng ngày 6/4, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2025; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên và một số nội dung quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Trong tháng 3 và quý I/2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường, Trung ương Đảng đã lãnh đạo toàn diện, kịp thời; Quốc hội phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và cả hệ thống chính trị vào cuộc; cùng với sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, ứng phó linh hoạt, kịp thời với những vấn đề cấp bách phát sinh. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2025 đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, tốt hơn tháng trước và tốt hơn cùng kỳ năm trước; khẳng định quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020 – 2025. 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 38,7% dự toán, tăng 34,5%, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6% và 17% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,16 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I tăng 8,3% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều tốc độ tăng quý I năm 2024 (5,5%). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động điều hành linh hoạt, ban hành nhiều nghị định, chỉ đạo các tổ công tác đôn đốc giải ngân đầu tư công, xử lý điểm nghẽn thể chế, cải thiện môi trường đầu tư. Công tác an sinh xã hội, y tế, giáo dục, đối ngoại... tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó yêu cầu đặt ra thời gian tới, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được; nhưng cũng không bi quan, lo sợ nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức hơn; tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức để thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2025, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh Mỹ ban hành chính sách thuế quan mới; đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức khi bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhất là lãi suất, tỷ giá còn cao trong bối cảnh tình hình thế giới biến động mạnh, rủi ro gia tăng; cầu tiêu dùng tăng chậm; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn… Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát không thay đổi về ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Về ứng phó với các chính sách của các nước, nhất là thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nắm chắc tình hình, đề ra kế hoạch, giải pháp cả trước mắt và lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại, có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có trọng điểm và diện rộng; thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm. Coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu. Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt chú ý việc xử lý tài sản sau khi sáp nhập các địa phương;  đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh truyền thông chính sách.

Mạnh Cường