Thứ 7, 10/05/2025, 00:59[GMT+7]

Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật

Thứ 6, 09/05/2025 | 16:48:38
783 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 9/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong phiên thảo luận, đã có 24 đại biểu phát biểu thể hiện sự thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật, đồng thời cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là thích hợp với diễn biến tình hình mới hiện nay, có thời gian hợp lý để doanh nghiệp và người dân điều chỉnh, chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các ý kiến tập trung thảo luận về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế; việc xác định thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, điều hòa nhiệt độ; nghiên cứu bổ sung vấn đề liên quan đến nhựa, túi nhựa, túi nilon, lộ trình và mức thuế đối với rượu, bia; phạm vi thuế suất đối với nước giải khát có đường, chất tạo ngọt tổng hợp, thực phẩm có đường và lưu ý những vấn đề liên quan đến nước giải khát tự nhiên; về ô tô pick-up chở hàng, xe ô tô hybrid, xe ô tô chuyên dụng, máy bay và một số loại hàng hóa khác; thuế đối với thuốc lá, quy định về tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành và nhiều nội dung quan trọng khác.

Tham gia thảo luận vào quy định về đối tượng chịu thuế là nước giải khát có đường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài và còn nhiều bất ổn ở khu vực tiêu dùng và dịch vụ thì việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính bao quát toàn diện của việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này. Quy định như dự thảo sẽ tạo ra những tác động đa chiều đến nhiều nhóm đối tượng trong nền kinh tế, cả trực tiếp và gián tiếp. Đại biểu cho rằng chính sách này có thể mang lại nguồn thu ngân sách mới và hỗ trợ định hướng tiêu dùng theo hướng có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể giúp tăng thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng nếu thực hiện quá nhanh và mạnh sẽ tạo ra hiệu ứng ngược, làm giảm nguồn thu trong trung và dài hạn; các doanh nghiệp phải điều chỉnh công thức sản xuất, quy mô sản xuất, dây chuyền sản xuất,… người lao động trong ngành nước giải khát và chuỗi cung ứng liên quan cũng có thể đối mặt với nguy cơ giảm thu nhập hoặc mất việc nếu doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất do chi phí tăng cao; người tiêu dùng là đối tượng cuối cùng chịu chi phí sẽ là nhóm ảnh hưởng rõ nét nhất… Đại biểu đề nghị cần phải có một nghiên cứu độc lập và có thể kết hợp với các hiệp hội ngành hàng để thực hiện đánh giá tác động toàn diện của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường và nội dung đánh giá này cần tính đến việc tác động đến doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng, người lao động và chuỗi cung ứng…

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội làm việc tại Hội trường, tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)