Thứ 3, 13/05/2025, 21:17[GMT+7]

Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật

Thứ 3, 13/05/2025 | 16:34:45
567 lượt xem
Sáng ngày 13/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp.

Trong phiên thảo luận, đã có 17 lượt đại biểu phát biểu thể hiện thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và lưu ý khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong mối quan hệ với doanh nghiệp tư nhân trong điều kiện hiện nay; tham gia về đối tượng áp dụng quản lý vốn nhà nước; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phạm vi, phân biệt hoạt động đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; quyết định công tác nhân sự của doanh nghiệp; trách nhiệm bảo tồn và phát triển vốn của doanh nghiệp; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, người đại diện chủ sở hữu vốn và cũng đề cập tới vai trò của Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước; đề nghị cung cấp thêm những vấn đề liên quan đến cung cấp thông tin, thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhà nước; việc huy động và cho vay vốn; chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng; phân phối lợi nhuận sau thuế nộp ngân sách nhà nước đối với lợi nhuận còn lại sau thuế; lưu ý đối với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp trọng điểm.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tham gia thảo luận cho rằng việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ sau hơn một thập kỷ thực thi không chỉ là yêu cầu của thực tiễn phát triển, mà còn là bước đi cần thiết nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết, quan điểm và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục đích tạo hành lang pháp lý để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Dự thảo Luật sửa đổi chuyển trọng tâm từ hoạt động nghiên cứu trong khu vực công lập sang thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tham gia vào các nội dung cụ thể như đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những quy định bảo đảm hài hòa giữa khuyến khích sáng tạo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan; về chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bổ sung nguyên tắc tối thiểu về tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học hợp lý; ban hành quy trình thẩm định, phê duyệt rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định rõ đơn vị có thẩm quyền đánh giá, xác nhận việc tuân thủ quy trình để làm căn cứ miễn trách nhiệm; bổ sung quy định về biện pháp bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba là những người, tổ chức không trực tiếp tham gia nghiên cứu, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi kết quả nghiên cứu hoặc quá trình thực hiện nghiên cứu; về nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm; các quy định liên quan đến ngân sách nhà nước như việc lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước hằng năm cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bổ sung những quy định để thu hút nguồn vốn đầu tư từ xã hội, cộng đồng, khu vực tư nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Vũ Sơn Tùng

(Phó Chánh Văn phòng)