Thứ 6, 23/05/2025, 22:25[GMT+7]

Quốc hội thảo luận Tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 6, 23/05/2025 | 15:31:46
663 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 23/5, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; Việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; Việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và Kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chủ trì buổi thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì thảo luận Tổ 10, gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Đắk Nông và Phú Yên.

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá, năm 2024, kinh tế - xã hội phục hồi tích cực, hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tạo chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực. Những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tốt; thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh. Văn hóa, xã hội, y tế, an sinh được quan tâm; chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại chủ động, hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế đất nước.

Các đại biểu đề nghị, trong Báo cáo của Chính phủ năm 2025 cần đề cập, đánh giá về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân và phụng sự nhân dân. Đây là một việc rất hệ trọng và chưa từng có trong lịch sử. Về giải pháp trong năm 2025, các đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sớm tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa sớm các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín này, như chính sách miễn giảm học phí cho học sinh; hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển nơi ở đến nơi làm việc mới. Các đại biểu cũng kiến nghị cần có giải pháp thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tạo điều kiện tối đa cho sản xuất kinh doanh. Chủ động ứng phó với các rủi ro từ những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đẩy mạnh chuyển đổi số. Kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, tạo không gian cho địa phương phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát một cách hiệu quả.

Nêu các giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư, các đại biểu cho rằng, mặc dù Chính phủ nêu các giải pháp quyết liệt thực hiện giải ngân đầu tư công, nhưng dự báo sẽ khó đạt mục tiêu. Do đó, cần thay đổi phương thức giải ngân đầu tư công, không chỉ theo cách truyền thống, mà cần khuyến khích sang khu vực đầu tư tư nhân. Trong đó, lưu ý tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn phát triển bất động sản, tập trung giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội để tạo ra tăng trưởng bền vững; đồng thời đẩy nhanh cơ chế đặt hàng cho các doanh nghiệp nhà nước, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội ở hội trường về việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)